Mục tiêu sầu riêng trở thành chủ lực của ngành rau quả
Thời điểm tháng 5, sầu riêng đang vào chính vụ và mặt hàng này được kỳ vọng trở thành ngành hàng chủ lực của rau quả trong năm 2024. Còn nhớ vào năm ngoái xuất khẩu rau quả lần đầu tiên vượt ngưỡng 5 tỷ USD. Trong đó đóng góp của sầu riêng đạt gần 50%. Năm nay sản lượng sầu riêng của nước ta không chỉ tăng mà giá cũng ở mức ổn định. Điều này mang tới những tín hiệu khởi sắc cho bà con trong năm 2024 này.
Công ty Xuất nhập khẩu Phương Ngọc, Cái Bè, Tiền Giang cho biết, vào chính vụ mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Năm nay, đơn vị dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu lên 20% vì đảm bảo được vùng nguyên liệu và tăng được mối liên kết bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân.
Sầu riêng được kỳ vọng trở thành ngành hàng chủ lực của rau quả trong năm 2024. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Mặc dù là vụ nghịch, nhưng 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, xuất khẩu rau quả mang về giá trị khoảng 6,5 tỷ USD thì mặt hàng sầu riêng chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả, tức khoảng 3,6 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Có thêm lợi thế là khoảng 10 đến 20% diện tích sầu riêng mà năm ngoái chưa có trái thì năm nay cho trái. Như vậy có ít nhất thêm 20% diện tích sầu riêng vào thị trường xuất khẩu".
Với lợi thế mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để đưa sầu riêng đông lạnh nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Dự kiến, mỗi năm sầu riêng đông lạnh mang về thêm khoảng 300 triệu USD mỗi năm vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Giải pháp xuất khẩu sầu riêng phát triển bền vững
Năm ngoái xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt 2,3 tỷ USD. Có được con số ấn tượng này là bởi trái sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Có thời điểm giá lên tới hơn 200.000 đồng/kg.
Những tín hiệu tích cực này kéo theo diện tích trồng sầu riêng tăng lên nhanh chóng và thậm chí đã vượt quá định hướng, quy hoạch chung của ngành nông nghiệp. Làm sao để xuất khẩu sầu riêng bền vững, được mùa nhưng cũng phải được giá, các giải pháp đã được bàn thảo trong thời gian qua.
Năm ngoái xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt 2,3 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật khi liên tục phát hiện nhiều sai sót trong quá trình sản xuất, đóng gói xuất khẩu mặt hàng này.
Bên cạnh đó, mã số vùng trồng và mã số đóng gói được cấp xuất khẩu đã tăng gấp đôi so với năm ngoái nhưng cũng bị nhiều cảnh báo vi phạm được đưa ra từ nước nhập khẩu.
Tình trạng tranh mua tranh bán nên thu mua trái non chưa đủ tuổi khiến sầu riêng bị hỏng, kém chất lượng và bị từ chối nhập khẩu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh có diện tích sầu riêng lớn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, cần cấp bách thiết lập tiêu chuẩn chung cũng như chế tài xử lý để nâng cao chất lượng trái sầu riêng, đảm bảo uy tín ngành hàng tại thị trường nhập khẩu.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: "Biến động thị trường, cũng như sự cạnh tranh trong nội bộ ngành sầu riêng tại các doanh nghiệp tại Việt Nam làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh về giá, chất lượng. Tôi nghĩ làm sao để có các giải pháp càng sớm càng tốt để các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã có một tiêu chuẩn chất lượng.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Thái Lan, Malaysia…Bộ NN-PTNT cho biết, đảm bảo chất lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang là nhiệm vụ hàng đầu.
Bộ đang xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi. Bộ tiêu chuẩn này mang tính pháp lý để có cơ sở cho các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm về chất lượng sầu riêng qua đó đảm bảo uy tín ngành hàng.
Năm nay, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. So với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…. Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm. Vì thế vấn đề cần nhất hiện nay là có cơ chế giám sát để đảm bảo uy tín và chất lượng trái sầu riêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!