Giá bất động sản đang giảm
Báo cáo thị trường bất động sản của nhiều đơn vị nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Nguồn cung mới có thể sụt giảm bởi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi.
Theo khảo sát của phóng viên, thời gian gần đây, nhiều phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề, biệt thự đã xảy ra tình trạng giảm giá do nhà đầu tư đang bị áp lực tài chính, trong đó, đất nền là sản phẩm ghi nhận sự sụt giảm về giá lớn nhất so với thời điểm đỉnh cơn "sốt đất".
Sau thời gian "sốt nóng", nhiều căn biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh vẫn đang bỏ hoang
Đơn cử, tại các khu vực ven Hà Nội từng "sốt giá" như Thạch Thất, Sơn Tây, Sóc Sơn…, giao dịch bất động sản đều rơi vào trầm lắng. Theo đó, giá đất nền đã đồng loạt giảm sâu 20-30%, thậm chí đến 40% so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, đất nền phân lô tại xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đầu năm nay có giá bán 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, nhiều người đang rao bán cắt lỗ, giảm giá chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/m2, tương đương, có lô đất nền 60m2 được rao bán giá 900 triệu đồng.
Đất nền phân lô ở các khu vực ven trung tâm Hà Nội cũng đang ghi nhận xu hướng giảm giá bán.
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá giao dịch thứ cấp nhà riêng lẻ và đất nền trong quý III vừa qua đã có xu hướng giảm nhẹ khoảng 2-3% so với quý trước đó. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền cũng sụt giảm mạnh trên cả nước, chỉ bằng khoảng 54% so với quý II cùng năm.
Còn theo số liệu của một đơn vị nghiên cứu thị trường, giá bán đất nền tại một số điểm nóng tại miền Bắc cũng đã hạ nhiệt như Bắc Ninh giảm 6%, Quảng Ninh giảm 7%, Bắc Giang giảm 5%. Các huyện ven đô hiện nay cũng đã có xu hướng giảm giá mạnh như tại Long Biên, Thanh Trì giảm lần lượt là 10% và 9%, huyện Đông Anh và Quốc Oai giảm 1%.
Khách hàng e ngại "xuống tiền"
Là nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội, anh Nguyễn Hữu Thắng thừa nhận, hiện nay, tâm lý chung của người mua nhà đang kỳ vọng giá tiếp tục giảm, "chờ đáy". Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiền ngân hàng đang tăng khiến nhiều nhà đầu tư chưa thực sự tính đến việc "xuống tiền" ngay với bất động sản ở giai đoạn này.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường bất động sản có thể tiếp tục suy giảm xuống 80% do tâm lý người mua nhà vẫn ảm đạm trong năm 2023. Đơn vị này dự báo, chủ đầu tư có thể sẽ tiếp tục đưa ra một số chương trình giảm giá sơ cấp để kích cầu trong bối cảnh lãi suất vay mua nhà tăng và hạn mức tín dụng hạn chế.
Một số chuyên gia khác cho rằng, thị trường bất động sản thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản nhưng sẽ dần được tháo gỡ khi tín dụng được nới lỏng và các chính sách hỗ trợ người mua nhà, doanh nghiệp được thực thi.
Ông Lê Đình Hảo - Giám đốc Khối kinh doanh Batdongsan.com.vn - cho biết, trong bối cảnh thị trường bất định như hiện nay, tâm lý người mua đương nhiên sẽ rất e dè trong việc đầu tư, mua bất động sản.
Cũng theo ông Hảo, đầu quý IV năm nay, khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm, nhưng tới cuối quý này thì các chỉ báo sẽ tốt hơn. Lý do là trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng hơn. Nếu không được tháo gỡ, thị trường bất động sản có thể bước vào một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Đính, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường được diễn ra. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng, tốt nhất nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy tài chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!