Bát nháo thị trường phân bón

Việt Nam hôm nay-Thứ bảy, ngày 23/10/2021 20:48 GMT+7

VTV.vn - Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thời gian gần đây, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, giá phân bón tăng phi mã đến 70-80%. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Ghi nhận mới đây tại An Giang, gần 500 bao phân bón tại đây vừa bị ngành chức năng An Giang phát hiện với hàng loạt vi phạm như: Tên sản phẩm không đúng quyết định lưu hành, thông tin ghi trên bao bì chưa đúng sự thật,…

Mặc dù trên bao bì sản phẩm phân bón này ghi dòng chữ khá rõ KALI PLUS 61% nhưng bên dưới tỷ lệ chỉ có 30%. Đây là hành vi làm gây nhầm lẫn cho người mua.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng An Giang phát hiện hơn 100 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chiếm nhiều nhất vẫn là mặt hàng phân bón. Giám đốc Công an tỉnh An Giang - Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết, công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vấn nạn này.

Bát nháo thị trường phân bón - Ảnh 1.

Hôm 10/10, An Giang phát hiện số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hết hạn sử dụng (Ảnh: TTXVN)

"Đối với hành vi làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà bà con phát hiện cứ gọi ngay số đường dây nóng của công an tỉnh hoặc của tôi. Tôi sẽ cho lực lượng kiểm tra, xử lý thật nghiêm", Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết.

Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp.

Liên tục bắt giữ nhiều vụ vi phạm nhãn hiệu phân bón

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Vừa qua tại An Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra một số chủ kinh doanh trên địa bàn và phát hiện 9,5 tấn phân bón D.A.P và phân bón cao cấp Canada. Cả hai loại phân bón này có nhãn không đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định trị giá hàng hóa 108,6 triệu đồng.

Ngoài ra lực lượng chức năng đã phát hiện tại 1 cơ sở khác có 12.184 chai, gói thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh và phân bón lá hết hạn sử dụng. Tất cả hàng hóa trên không hóa đơn, chứng từ kèm theo. Trị giá hàng hóa khoảng 120 triệu đồng.

Còn tại Tiền Giang, lực lượng chức năng tỉnh cũng đã phát hiện 300 bao phân bón NPK Nutrix xuất xứ Malaysia loại 50 kg/bao, với tổng khối lượng là 15 tấn có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam nhưng trên nhãn phụ không ghi các nội dung như tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Qua quá trình làm việc, chủ hàng cho biết số phân bón này không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

"Hành vi vi phạm chủ yếu là giả về chất lượng, công dụng sử dụng, không có đăng ký trong danh mục những vẫn sản xuất bán ra thị trường…", ông Nguyễn Văn Phước – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Tiền Giang cho biết.

Nhiều bà con nông dân khi đi mua phân bón vẫn mua theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy. Vô tình thói quen này tạo điều kiện cho những phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường. Vì thế bà con cần thay đổi từ chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm nước ta dùng trên 10 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy cực lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Bát nháo thị trường phân bón - Ảnh 2.

Bà con nên mua của thương hiệu quen, có uy tín, tránh mua của những thương hiệu nhỏ chưa có tên tuổi (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, muốn tránh được phân bón giả phân bón rởm phải có sự đồng lòng của cơ quan nhà nước và người dân. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng.

"Nên kêu gọi bà con tránh chiêu dụ của các đơn vị sản phân bón giả, thường người ta khuyến mại lớn, bán lượng lớn rồi chạy đi. Bà con nên mua của thương hiệu quen, có uy tín, tránh mua của những thương hiệu nhỏ chưa có tên tuổi", T.S Phùng Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết.

Thời điểm này, nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Một hướng đi bền vững là bà con cần tìm cách giảm chi phí sản xuất. Một trong những giải pháp mà nông dân nhiều địa phương đang áp dụng đó là tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ , hay tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón, giảm lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước