Mật ong Việt Nam gặp rào cản ở thị trường Mỹ
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đa dạng hóa thị trường là con đường tất yếu cho nông sản Việt. Bên cạnh những cơ hội lớn mà các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi bước vào các "sân chơi" lớn này.
Từ năm ngoái đến nay Mỹ đã trở thành thị trường số 1 của nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với thị phần 28%. Tuy nhiên, năm qua, khi dịch COVID-19 tác động đến sản xuất của toàn cầu nhiều quốc gia lại càng đề cao chủ nghĩa bảo hộ thương mại và Mỹ không phải là ngoại lệ. Điển hình như mật ong Việt Nam đang phải đổi mặt với mức thuế khó tin lên tới hơn 400% khi xuất sang Mỹ.
Anh Ivan (TP New York, Mỹ) - người hay dùng mật ong và các sản phẩm có chứa mật ong nhập khẩu đã rất bất ngờ khi biết sắp tới giá các sản phẩm này có thể sẽ cao hơn do gánh các mức thuế chống bán phá giá mới.
"Mật ong nhập khẩu rẻ hơn vì tôi nghĩ giá nhân công ở đó rẻ hơn. Nếu đánh thêm thuế nghĩa là thêm một mặt hàng nữa tăng giá. Giá mọi thứ vốn đang cao rồi. COVID-19 đã gây ra khó khăn lại càng khó khăn thêm", anh Ivan Raul nói.
Mật ong Việt Nam đang phải đổi mặt với mức thuế khó tin lên tới hơn 400% khi xuất sang Mỹ. Ảnh minh họa.
Sở dĩ có sự thay đổi này do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến áp lên mật ong nhập khẩu. Trong đó, mật ong Việt Nam chịu mức cao nhất tới hơn 412%, gấp 2 lần mức đề xuất của chính Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ.
Từng làm ăn với đối tác Việt Nam hơn 20 năm, giờ công ty của ông Nicholas đã phải tạm dừng nhập khẩu.
Ông Nicholas Sargeantson - Chủ tịch Công ty Thương mại Sunland, Mỹ cho hay: "Mật ong Việt Nam không cạnh tranh gì với mật ong nội địa Mỹ. Hầu hết mật ong Mỹ sáng màu, nên thường đi vào thị trường bán lẻ. Mật ong Việt Nam màu sẫm hơn nên thường được dùng làm nguyên liệu. Vậy nên, không có gì sai khi chúng ta đặt câu hỏi thế nào mà người nuôi ong Mỹ lại kiện? Tại sao họ phải lo rằng mật ong Việt Nam là mối đe dọa với họ?".
Nếu không có thay đổi, những sản phẩm mật ong Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ biến mất khỏi thị trường Mỹ. Bởi đã có tiền lệ khi năm 2001, mật ong Trung Quốc phải nhận mức thuế chống bán phá giá là 245%. Sau đó, Trung Quốc đã không còn nằm trong danh sách nhập khẩu mật ong vào Mỹ nữa.
Còn bây giờ, mật ong của Việt Nam đang phải chịu mức thuế hơn 412% - một mức thuế khiến bất cứ đối tác nhập khẩu nào cũng phải lắc đầu. Con đường xuất khẩu mật ong vào Mỹ đang rất hẹp ở phía trước.
Cú sốc với hàng vạn người nuôi ong
Hơn 400% - mức thuế sơ bộ này dự kiến sẽ được áp chính thức vào tháng 4. Mức thuế cao không tưởng này trở thành cú sốc lớn với hàng vạn người nuôi ong tại Việt Nam. Ngay cả những doanh nghiệp lớn về xuất khẩu mật đến giờ cũng chưa hết bất ngờ.
"Giống như một cuộc đổ gục xuống.Tất cả đều bảo đây không phải sự thật", ông Lê Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Bé Minh - người nuôi ong huyện Bù Đăng, Bình Phước nói: "Mật ong mà không xuất ra nước ngoài thì bây giờ em không biết mật để làm gì và gia đình em sẽ ra sao em cũng chưa biết".
Mức thuế cao không tưởng này trở thành cú sốc lớn với hàng vạn người nuôi ong tại Việt Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Đại diện Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk cho biết, trước đó đơn vị đã phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, cung cấp đầy đủ những số liệu và dữ kiện phục vụ điều tra theo yêu cầu của phía Mỹ.
Doanh nghiệp đã có đơn đề nghị xem xét lại mức thuế quá cao này, đồng thời uỷ quyền cho luật sư tại Mỹ tham gia vụ kiện. Doanh nghiệp cho biết, hiện công ty đã bỏ ra hơn 500.000 USD chi phí thuê luật sự quốc tế và nếu vụ kiện tiếp tục kéo dài thì sẽ không còn đủ nguồn lực.
"Khó khăn của doanh nghiệp là một phần nhưng khó khăn nhất là của hàng vạn người nuôi ong", ông Lê Thanh Vân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam nói.
Tỉnh Bình Phước là địa phương có số lượng người nuôi ong tập trung về đông nhất cả nước trong mỗi vụ mật. Năm nay, số người nuôi ong đổ về đây chỉ còn bằng một nửa so với năm ngoái. Đây là những hộ có thể là đã chót đầu tư vào con ong trong năm nay, hoặc là những hộ lạc quan nhất, tin tưởng rằng mức thuế sẽ được gỡ bỏ, hay đơn giản họ là những hộ yêu con ong nhất, kiến quyết không từ bỏ dù trong hoàn cảnh nào.
Thời gian qua, những thị trường được xem là dễ tính cũng đang tăng thêm các tiêu chuẩn. Còn những thị trường vốn đã khó tính như Mỹ giờ lại tăng thêm những rào cản đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ phải nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn cần có bản lĩnh và kinh nghiệm trên thương trường.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đều đã có những trao đổi với phía Mỹ ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ làm rõ phương pháp tính biên độ bán phá giá mà cơ quan này đang áp dụng; đồng thời đề nghị việc tính thuế phải trên cơ khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam.
Qua câu chuyện xuất khẩu của mật ong càng thấy rõ, muốn xuất khẩu được bền vững cũng cần thay đổi cả tư duy và hành động. Nông sản phải được đặt hàng chứ không chờ để giải cứu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!