Bình ổn giá tại TP.HCM: Doanh nghiệp tự lo vốn

Kim Dung-Chủ nhật, ngày 31/03/2013 07:11 GMT+7

Tại một gian hàng bình ổn giá ở TP.HCM. Ảnh: SGGP

 Điểm mới của chương trình bình ổn giá năm nay tại TP.HCM là không dùng NSNN hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% như cách làm hơn 10 năm qua. Thành phố chỉ hỗ trợ cơ chế, còn các doanh nghiệp tự nỗ lực để tham gia chương trình.  

Thông tin này được đưa ra trong "Hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM sáng 30/3."

Lần đầu tiên chương trình bình ổn giá của TP.HCM có sự tham gia của các ngân hàng kể từ năm khởi đầu 2002. Ngay trong Hội nghị, đã có 5 ngân hàng đứng ra ký kết với gần 20 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, tổng số tiền mà các ngân hàng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi là gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được giải ngân ngay theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “1.100 tỷ đồng là trung và dài hạn, 860 tỷ đồng là ngắn hạn. Vốn ngắn hạn lãi suất 6%, dài hạn lãi suất 10%. Qua chương trình này các ngân hàng có thêm thương hiệu, thêm khách hàng. Các doanh nghiệp bình ổn chủ yếu được thành phố chọn lọc và tin tưởng, nên rất phấn khởi tham gia”.

Ngân hàng phấn khởi, còn doanh nghiệp thay vì mọi năm được Thành phố hỗ trợ vốn ưu đãi với số tiền rất ít, thì năm nay được kết nối trực tiếp với ngân hàng có thể vay dễ dàng với số vốn lớn hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư công nghệ cũng không phải lo lắng.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, TP.HCM chia sẻ: “Doanh nghiệp tham gia chương trình này ngày càng phát triển, doanh số bán nhiều, đi đến đâu người tiêu dùng đón nhận đến đó. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia mà không nhận hỗ trợ vốn”.

Việc không hỗ trợ vốn từ NSNN đã khiến chương trình Bình ổn giá tại TP.HCM vượt khỏi bản chất là biện pháp can thiệp bằng chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước đối với một số nhóm hàng thiết yếu nhằm kiềm chế tăng giá. Bình ổn giá của TP.HCM đang được điều hành bằng thương hiệu, số doanh nghiệp tham gia chương trình năm nay là 64, tăng 16 doanh nghiệp so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Thành phố huy động 5 hệ thống có yếu tố nước ngoài để mở rộng điểm bán, mở rộng thị phần để cung cấp hàng cho người dân thành phố. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh để giúp các doanh nghiệp phát triển nguồn hàng, qua đó hàng hóa nhiều hơn với chất lượng cao hơn”.

Với 4 chương trình bình ổn là lương thực thực phẩm, sữa, đồ dùng học tập và dược phẩm, thời gian qua, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã thực sự góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân. Trong thời gian tới, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành để đưa đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng có giá thấp hơn thị trường từ 5-10%.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước