Bình Thuận: Phát huy lợi thế từ kinh tế biển

Vũ Hoàn - Duy Tuấn-Thứ năm, ngày 06/07/2023 21:20 GMT+7

VTV.vn -Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận, góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Thuận là vùng đất ở cực Nam của Duyên hải miền Trung. Với những tiềm năng và sức hấp dẫn đã được khẳng định, những năm qua, tốc độ tăng trưởng du lịch của Bình Thuận không ngừng tăng lên. Hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, thể thao biển, địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch "xanh"; gắn du lịch với giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên và môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch MICE…

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" đã mở ra cơ hội, ý nghĩa rất lớn cho du lịch Bình Thuận. Nhờ các giải pháp phục hồi và các chuỗi sự kiện thu hút du khách, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 3,6 triệu lượt khách đến với Bình Thuận, đạt 54% kế hoạch năm và tăng 91% so với cùng kỳ.

Bình Thuận: Phát huy lợi thế từ kinh tế biển - Ảnh 1.

Du lịch Bình Thuận đang đứng trước thời cơ rất lớn để bứt phá

NGƯT.PGS.TS Võ Khắc Thường – Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho biết: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 16 ngành đào tạo hiện tại của Trường, các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch luôn là thế mạnh của Trường từ những năm đầu thành lập, với ưu thế về vị trí địa lý và quan hệ hợp tác rộng rãi cùng các đơn vị quản lý nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp….

Căn cứ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 35.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 10- 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 10 - 11 %.; Tạo ra khoảng 110.000 việc làm và phấn đấu đón được ít nhất 11 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-12%.

Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; - Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 10- 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 12 - 14%; - Tạo ra khoảng 190.000 việc làm và phấn đấu đón được ít nhất 17,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-12%.

Bình Thuận: Phát huy lợi thế từ kinh tế biển - Ảnh 2.

Du lịch hiện là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận

Bên cạnh đó, chiến lược còn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm như Xây dựng phương án tích hợp của ngành du lịch vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040; Xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tỉnh; Xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch chuyên đề về thị trường, sản phẩm nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá.

Đồng thời chiến lược cũng tập trung huy động nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ đột phá như đẩy nhanh tiến độ đầu tư sân bay, đường cao tốc; kêu gọi đầu tư xây dựng các bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí, mua sắm, trung tâm hội nghị triển lãm các tuyến đường nối vào khu du lịch quốc gia. Đầu tư hình thành một số khu du lịch đồng bộ, chất lượng có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Phú Quý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách quốc tế ra đảo Phú Quý; cải tiến mạnh mẽ quy trình cấp giấy phép ra đảo Phú Quý của khách quốc tế theo hướng tinh gọn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý; Đầu tư hình thành một số khu du lịch đồng bộ, chất lượng có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch; Có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển du lịch văn hóa trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay du lịch Bình Thuận đang đứng trước thời cơ rất lớn để bứt phá. Ngoài sự thuận lợi về tài nguyên, thiên nhiên; sự quan tâm của lãnh đạo địa phương thì việc hoàn thiện cơ sở vật chất, giao thông phát triển đã mở ra cơ hội mới. Tuyến cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian đi lại của khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Trung Bộ; tạo thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú đều đã phục hồi hoàn toàn, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới… Nhiều khu du lịch cao cấp, chuỗi đô thị ven biển đồng bộ hình thành sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước