Trước đó, theo thông tin từ Reuters, đầu tháng 6 vừa qua, Quốc hội El Salvador đã chấp thuận đề xuất của Tổng thống Bukele, qua đó biến đất nước này thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp.
"Việc sử dụng Bitcoin sẽ là tùy chọn, không ai sẽ phải nhận Bitcoin nếu họ không muốn nó ... Nếu ai đó nhận được thanh toán bằng Bitcoin, họ có thể chọn lại việc thanh toán tự động bằng USD", Tổng thống Bukele phát biểu hôm thứ 5 theo giờ địa phương.
Bitcoin được giao dịch hợp pháp ở El Salvador từ tháng 9
Reuters cũng dẫn lời Tổng thống Bukele cho biết, lương và lương hưu sẽ tiếp tục được trả bằng USD. Tuy nhiên, ông Bukele không đề cập cụ thể xem đó là lương trả cho nhân viên khu vực công hay tư nhân.
Cùng với tuyên bố này, Athena Bitcoin cho biết đang có kế hoạch đầu tư hơn 1 triệu USD để lắp đặt khoảng 1.500 máy ATM tiền điện tử ở El Salvador, đặc biệt là những nơi người dân hay nhận tiền chuyển từ nước ngoài.
Theo trang web của Athena Bitcoin, các máy ATM này có thể được dùng để mua Bitcoin hoặc bán Bitcoin lấy tiền mặt.
"Một trong những lý do chúng tôi thông qua luật Bitcoin là để giúp những người gửi tiền kiều hối, tiết kiệm chi phí hoa hồng cao. Tất cả sẽ được loại bỏ bằng cách sử dụng tiền điện tử", ông Bukele nhấn mạnh hôm thứ 5.
Tiền gửi về từ người lao động ở nước ngoài là một trong những nguồn thu lớn của nền kinh tế El Salvador. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối chuyển về nước này rơi vào khoảng 6 tỷ USD, tương đương khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019 - tỷ lệ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Theo nhà phân tích thanh toán fintech Kenneth Suchoski ở Autonomous Research, chưa đến 1% khối lượng tiền chuyển xuyên biên giới toàn cầu được giao dịch bằng tiền điện tử. Tuy nhiên, tương lai, tiền điện tử dự kiến sẽ chiếm phần lớn hơn trong số hơn 500 tỷ USD tiền chuyển xuyên biên giới hàng năm trên toàn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng Bitcoin quá biến động để trở thành một phương tiện thanh toán
Trước khi Quốc hội El Salvador bỏ phiếu việc chấp nhận Bitcoin, đã có không ít ý kiến cho rằng đồng tiền này khó có thể trở thành một phương tiện thanh toán bởi quá biến động về giá. Hiện Bitcoin đang được giao dịch ở mức gần 34.000 USD, kém xa mức đỉnh 65.000 USD đạt hồi giữa tháng 4.
Ngoài ra, Bitcoin hiện không được hỗ trợ bởi một tài sản nào, cũng như chưa được bất kỳ chính phủ chấp thuận nào. Giá trị của nó một phần nhờ tình trạng khan hiếm nguồn cung khi chỉ có 21 triệu Bitcoin tồn tại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết việc chấp nhận Bitcoin có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán với IMF, nơi El Salvador đang tìm kiếm một chương trình trị giá hơn 1 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!