Bỏ bản quyền vaccine COVID-19: Chìa khóa chống dịch bệnh, hay tiền lệ xấu?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 07/05/2021 16:01 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Chính phủ Mỹ đã phát đi thông điệp ủng hộ việc tạm thời bỏ bản quyền vaccine COVID-19.

Mỹ vừa trở thành quốc gia mới nhất ủng hộ việc từ bỏ tạm thời bản quyền vaccine COVID-19. Trong những ngày qua, nhiều quốc gia, tổ chức và các chuyên gia khoa học đã lên tiếng kêu gọi các hãng dược phẩm và các nước từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19, cung cấp cho các nước khác công nghệ để có thể sản xuất vaccine.

Tuy nhiên, vấn đề này lại đang là chủ đề gây tranh cãi, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhiều quốc gia, doanh nghiệp và có thể tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp dược phẩm trong tương lai.

Bỏ bản quyền vaccine COVID-19: Chìa khóa chống dịch bệnh, hay tiền lệ xấu? - Ảnh 1.

Mỹ vừa trở thành quốc gia mới nhất ủng hộ việc từ bỏ tạm thời bản quyền vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: Shrm.

Ngày 5/5, Chính phủ Mỹ phát đi thông điệp ủng hộ việc tạm thời bỏ bản quyền vaccine COVID-19. Theo Washington, COVID-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình huống bất thường đòi hỏi những giải pháp đặc biệt.

Bà Katherine Tai - Đại diện Thương mại Mỹ cho hay: "Chính phủ Mỹ tin rằng, quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, nhưng để chấm dứt đại dịch, các rào cản về bản quyền vaccine COVID-19 nên tạm thời được dỡ bỏ".

Bỏ bản quyền vaccine COVID-19: Chìa khóa chống dịch bệnh, hay tiền lệ xấu? - Ảnh 2.

Đại diện Thương mại Mỹ - bà Katherine Tai. Ảnh: AP.

Quan điểm của Mỹ đã nhận được sự đồng tình của Liên Hợp Quốc, nhiều tổ chức và hơn 100 quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, vốn không có nhiều điều kiện tiếp cận các loại vaccine COVID-19.

"Chúng tôi muốn sản xuất vaccine ở trong nước để chống lại đại dịch này và các đại dịch trong tương lai. Chính vì lý do này Nam Phi và Ấn Độ đã đề xuất miễn trừ bản quyền vaccine lên Tổ chức Thương mại Thế giới, để cho phép sản xuất vaccine COVID-19 ở các nước đang phát triển", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ bản quyền vaccine COVID-19 đang vấp phải những ý kiến phản đối từ một số quốc gia và các công ty dược phẩm lớn. Đức - quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển đã nhấn mạnh, cần phải bảo vệ phát minh của các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc bãi bỏ bản quyền sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành dược phẩm.

Ông Thomass Cueni - Tổng Giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) cho hay: "Việc bãi bỏ bằng sáng chế sẽ khiến hàng trăm công ty dược phẩm tin rằng, nếu có một đại dịch khác bản quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng sẽ không được bảo vệ. Điều đó rất đáng lo ngại".

"Tất cả mọi người đều muốn vaccine được phân phối rộng rãi, nhưng đừng quên rằng chính nhờ các bằng sáng chế mà các công ty tiếp tục đầu tư để phát triển các loại vaccine, dược phẩm, phương thức điều trị tốt hơn. Nếu không còn phần thưởng xứng đáng, họ sẽ không mạnh tay đầu tư nữa", bà Micaela Modiano - Luật sư về bằng sáng chế cho biết.

Bỏ bản quyền vaccine COVID-19: Chìa khóa chống dịch bệnh, hay tiền lệ xấu? - Ảnh 3.

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy sản xuất vaccine. Ảnh AP.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ cũng không phải là vấn đề đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền.

"Một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Ấn Độ đã bày tỏ với tôi những lo ngại về việc mọi người quá tập trung vào vấn đề bằng sáng chế, mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng vaccine. Nếu bạn có nhiều nhà sản xuất hơn, nhưng lại không đảm bảo được chất lượng, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn", ông Thomass Cueni - Tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) nói.

Các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hiện đang thảo luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Tuy nhiên, quá trình đàm phán này dự kiến sẽ mất nhiều thời gian vì những quan điểm khác biệt giữa các bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước