"Về hay ở?" chắc chắn là câu hỏi đặt ra trong đầu hàng triệu lao động những ngày qua. Không ai muốn lặn lội hàng trăm hàng ngàn cây số để rời xa công việc của mình. Nhưng tại sao họ vẫn đi. Việc làm và thu nhập, thậm chí là lo lắng cho sự an toàn của mình trong dịch bệnh đã thôi thúc họ có những quyết định khó khăn này. Người lao động buộc phải lựa chọn về quê, nơi mà mái nhà và mảnh vườn dù sao cũng có thể giúp họ duy trì cuộc sống, dẫu không hề dễ dàng. Hiện nay, các địa phương cũng liên tục triển khai các phương án đưa đón người dân thuận lợi nhất và an toàn nhất.
Tỉnh An Giang đã đón hơn 46.000 người dân về quê. Nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí. Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ 500 triệu đồng và mua 200 tấn gạo để hỗ trợ công tác đón người dân.
Lâm Đồng đã đón hơn 2.000 người dân. 165 xe ô tô khách đón người dân và vận chuyển vật tư y tế. Ưu tiên đón về trước là người già, người bệnh, phụ nữ mang thai, người có hoàn cảnh khó khăn.
Còn tỉnh Quảng Trị cũng đón hàng trăm người dân về quê bằng tàu hỏa, gồm phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người đi chữa bệnh, học sinh, sinh viên, người lớn tuổi đi thăm thân.
Tỉnh Vĩnh Phúc bố trí các chuyến bay, đón hơn 1.000 người về quê. Theo thống kê, tỉnh có khoảng 3.770 người đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam có nguyện vọng trở về.
Cảnh sát giao thông Đồng Nai dẫn đoàn người về quê. Ảnh: Chinhphu.vn
Những khó khăn với người dân trở về quê
Với số lượng lớn người dân trở về như vậy sẽ đặt ra bài toán rất lớn cho địa phương để ổn định cuộc sống, sinh kế cho bà con.
Sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu khắp các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, số người thất nghiệp thời gian qua gia tăng, việc việc bố trí công ăn việc làm cho toàn bộ bà con, khó có thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, cho biết: "Sau khi cách ly, bà con đảm bảo sức khỏe, huyện đang nghiên cứu để làm sao và về lâu dài đảm bảo công ăn việc làm cho bà con, tức là có thể li nông và không li hương, tạo sinh kế cho bà con tại địa phương, tránh trường hơp đi làm xa gặp nhiều rủi ro như lần này".
Từ khi tỉnh Quảng Bình có chính sách đưa đón công dân từ miền Nam trở về bằng đường hàng không và mới đây là bằng đường sắt, đã có khoảng gần 3400 bà con đã trở về quê hương, bên cạnh đó là một số lượng bà con trở về tự phát bằng xe máy. Vì vậy, việc tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho bà con sau khi hoàn thành cách ly là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đối với các cấp ngành của địa phương.
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói: "Tỉnh Quảng Bình hết sức tạo điều kiện cho bà con từ miền Nam trở về yên tâm cuộc sống, tạo sinh kế cho bà con lâu dài, bền vững".
Việc tạo sinh kế cho bà con trở về từ miền Nam đang là một vấn đề cấp bách đối với địa phương. Hy vọng rằng, những quyết sách đúng đắn, mang tính cụ thể sẽ được đưa ra, nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con, sử dụng nguồn lao động một cách khoa học, tận dụng được nguồn lực , tạo tiền đề phát triển kinh tế địa phương, thực hiện nhiệm vụ " kép" hiệu quả.
Cơ hội việc làm với người lao động về quê
Hiện một lượng lớn người lao động đủ điều kiện được đưa về quê từ các tỉnh thành miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang có nguyện vọng tìm ngay một công việc tại quê nhà để kiếm sống sau khi hoàn thành cách ly.
Tại một số tỉnh miền Trung, hiện nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cũng đã có kế hoạch tuyển dụng ngay tại địa phương để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong quý cuối của năm nay.
Chương trình Vấn đề hôm nay với khách mời là ông Ngô Xuân Liễu, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!