Bộ trưởng GTVT: Thu phí cao tốc để cân đối lợi ích người dân và nhà nước

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 24/11/2023 15:21 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% đến 40% nhu cầu bảo trì.

Sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự án Luật Đường bộ.

Tại phiên thảo luận, về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, có đại biểu có ý kiến đề nghị làm rõ về việc sự cần thiết bổ sung thu phí đường cao tốc ở bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thực hiện chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cụ thể như sau.

Các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ.

Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện. Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc.

Bộ trưởng GTVT: Thu phí cao tốc để cân đối lợi ích người dân và nhà nước - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% đến 40% nhu cầu bảo trì

Để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc của người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, mức thu sẽ được xác định đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và đảm bảo hoàn vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo chi phí bảo trì hàng năm.

"Việc này chúng ta đã có kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, có những quốc gia rất lớn như Mỹ chẳng hạn đã áp dụng việc này. Để chúng ta đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách của chúng ta còn rất hạn chế", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% đến 40% nhu cầu bảo trì. Cho nên, nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện đưa vào mà chúng ta không thu, một khoản kinh phí rất khổng lồ trong vấn đề về bảo trì, chúng ta sẽ khó khăn.

Về vấn đề này, trong phiên thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, dự thảo luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ

Theo đại biểu đoàn Lào Cai, hiện nay việc thu nộp và sử dụng phí đường bộ được thu qua đầu phương tiện ô tô sau khi trừ chi phí tổ chức thu được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo đánh giá tác động của việc quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không chỉ bao gồm ôtô để làm cơ sở xây dựng các chính sách mới của dự thảo luật.

Không để một xe bị quản lý bởi hai luật

Ngoài ra trong phiên thảo luận, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định của 2 dự thảo luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) bày tỏ thống nhất với việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ cũng như dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng, cụ thể…

Bộ trưởng GTVT: Thu phí cao tốc để cân đối lợi ích người dân và nhà nước - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định)

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, việc xây dựng tách biệt 2 dự thảo Luật này sẽ khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.

"Có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh.

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý…", đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu dẫn chứng.

Đại biểu Dũng cũng cho rằng, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như vậy có thể dồn vào quy định tại một luật.

Về lo ngại này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An để rà soát, chỉnh lý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất và không trùng lặp, thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư để 'san sẻ' với các dự án BOT Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư để "san sẻ" với các dự án BOT

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, có dự án BOT đã giảm tới hơn 86% doanh thu sau khi các tuyến cao tốc đi vào vận hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước