Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao đột biến do "thổi giá"

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 07/10/2024 16:33 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Xây dựng, với chính sách thuế phù hợp sẽ hạn chế được việc lãng phí nguồn lực xã hội cũng như tránh tạo ra “cầu ảo” trên thị trường bất động sản.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, báo chí đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao đột biến cũng như giải pháp để đưa giá cả phù hợp với người dân.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết việc tăng giá bất động sản tăng cao, đột biến đến từ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do sự lệch pha cung cầu, trong đó cầu lớn hơn cung. Nguyên nhân thứ hai đến từ việc thổi giá, như thời gian qua có nhiều phản ánh về việc đấu giá đất cao rồi bỏ cọc tại Hà Nội. Nguyên nhân cuối cùng là do chi phí đầu tư xây dựng, tiền sử dụng đất... tăng cao.

Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao đột biến do thổi giá - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng

Theo ông Hùng, để giải quyết tình trạng giá bất động sản tăng cao, đảm bảo phù hợp với khả năng mua của người dân cần kiểm soát 3 nguyên nhân nêu trên. Và hiện nhiều điều luật đã quy định rõ liên quan đến vấn đề này. Như nhiều luật đã quy định việc chống thổi giá, thao túng thị trường như trong Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai. Đặc biệt Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có nhiều điều khoản mạnh mẽ, rõ ràng cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá.

Ngoài ra để kịp thời chấn chỉnh việc thao túng, thổi giá bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 82 với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố. Từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản về việc phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở, ổn định thị trường bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong các văn bản, Bộ Xây dựng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị thực hiện nghiêm Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá trục lợi, từ đó có biện pháp ngăn ngừa.

Đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tiến độ, giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất, nhằm đảm bảo nguồn cung thị trường, hạn chế lệch pha cung cầu, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đề nghị các tỉnh, thành phố thường xuyên công bố công khai thị trường bất động sản, chương trình phát triển đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản… nhằm đảm bảo minh bạch, công khai, ngăn chặn gian lận.

Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao đột biến do thổi giá - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý

Tiếp theo, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế rủi ro về giá, pháp lý cho người mua.

"Với mô hình này sẽ hạn chế tình trạng huy động vốn trái luật. Nhà nước có thể nắm đầy đủ thông tin giá bán tốt hơn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Cuối cùng, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham vấn, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thuế phù hợp nhằm hạn chế trình trạng nhà đất đã được mua bán nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như tạo ra cầu ảo trên thị trường bất động sản.

Trong báo cáo thị trường quý III/2024, phía Savills cho biết, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, mức giá trung bình tại các dự án mới đã chạm mức 69 triệu đồng/m2, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, các căn hộ cũ cũng đã tăng giá 41% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 51 triệu đồng/m2.

Về sức cầu, số căn hộ bán được trong quý III/2024 tại Hà Nội đạt hơn 6.800 căn, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Trong đó, căn hộ trung cấp được tiêu thụ nhiều nhất khi chiếm tới 98% lượng giao dịch. Trong 9 tháng vừa qua, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% của năm 2020. Còn phân khúc từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 29%.

Đáng chú ý, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước