Trong bài phát biểu của mình về Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ mong muốn sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU, trong đó cho phép nước Anh tự do tiếp cận các thị trường châu Âu và loại bỏ tối đa các rào cản thương mại. Nhưng điều này lại không đồng nghĩa với việc muốn tìm kiếm một cơ chế thành viên hợp tác hay thành viên một phần của EU. Thay vào đó, nước Anh có thể trở thành một đối tác mới và bình đẳng với khối liên minh này. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, nếu tình huống này xảy ra thì đây có thể là một bất lợi với các quốc gia trong khối.
Nếu giữa Anh và EU vẫn tồn tại những bất đồng, khiến London không thể tiếp cận thị trường EU thì nước này nhiều khả năng phải tính đến việc thay đổi mô hình kinh tế để vượt qua các nguy cơ trong ngắn hạn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, trước đó đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May là đã cung cấp một bức tranh "thực tế hơn" và rõ ràng hơn về những gì London cần trong tiến trình này. Ông Tusk nhận định kế hoạch Brexit mà bà May đưa ra là "tiến trình buồn, nhưng ít nhất cũng có tính thực tế hơn".
Theo dự kiến, chính phủ của Thủ tướng May sẽ chính thức "kích hoạt" điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!