Năm 2017 được dự báo là năm của những thách thức từ sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại, thể hiện ở việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đến hàng loạt biện pháp bảo hộ hàng hóa của các nước. Có thể nói, chưa bao giờ thế giới lại dựng lên những rào cản với mậu dịch tự do nhiều như hiện nay. Xu hướng này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, nhóm BRICS vẫn khẳng định quan điểm của mình là cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương như một giải pháp để đưa nền kinh tế bứt phá, thoát khỏi bóng mây u ám từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Một quyết định đi ngược lại diễn biến của thế giới nhưng không phải là không có cơ sở để thực hiện.
Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), kể từ tháng 10/2008, có 2.800 biện pháp hạn chế thương mại đã được các nước thành viên WTO áp dụng và 75% trong số này vẫn đang có hiệu lực. Người ủng hộ quan điểm này mạnh mẽ nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, BRICS với mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, kỳ vọng những mâu thuẫn lợi ích ngoại giao khác có thể được hóa giải thông qua tiếng nói chung về kinh tế.
Tổng thống Nga Putin nói: "Các hoạt động bảo hộ thương mại và cạnh tranh không lành mạnh đang khiến các đối tác mất lòng tin lẫn nhau, ảnh hưởng tới liên kết của các quốc gia. Do đó, các tổ chức kinh tế cần duy trì trên nguyên tắc thương mại đa phương cởi mở, bình đẳng và cùng có lợi như tiêu chí chung của WTO".
Để làm được những điều trên, các nước BRICS đã tận dụng lợi thế thương mại điện tử và Internet - lãnh địa nơi các rào cản rất mờ nhạt.
Một nghiên cứu chung của Viện nghiên cứu Ali và "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc mới đây cho thấy, doanh thu bán lẻ trực tuyến của 5 quốc gia thuộc BRICS trong năm 2016 chiếm khoảng 47% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu, đạt 876 tỷ USD và có thể tăng lên 59% vào năm 2020.
Trong hơn 10 năm qua, BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu theo báo cáo của IMF. BRICS hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc xoá bỏ dần các rào cản thương mại thông qua con đường thương mại điện tử và mở rộng mối quan hệ với nhiều đối tác thành viên tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!