COVID-19 đã làm tê liệt ngành hàng không quốc tế khi các quốc gia khóa chặt biên giới và áp đạt các biện pháp hạn chế khác nhau. Hiện, các biện pháp hạn chế mới chỉ được nới lỏng phần nào ở một số khu vực. Nhiều quốc gia vẫn đang phải hứng chịu làn sóng COVID-19 mới với số ca nhiễm tăng cao.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, tình hình tài chính của hãng nhiều hãng hàng không đã xấu đi kể từ khi hãng này thực hiện một nghiên cứu tương tự vào tháng 3/11/2020. Nhiều hãng hàng không không nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, đã phải tiến hàng cơ cấu nợ trước tòa hoặc điều đình trực tiếp với các chủ nợ.
"Nhiều hãng hàng không vẫn đang trong tình hình tài chính tồi tệ. Hầu hết vẫn mắc kẹt trong vũng lầy vì các thị trường truyền thông đã ngừng hoạt động", ông Mark Martin, người sáng lập Martin Consulting LLC có trụ sở tại Dubai cho biết.
Nhiều hãng hàng không đối diện nguy cơ phá sản vì COVID-19 (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters)
Nguy cơ treo lơ lửng trên đầu
Sử dụng phương pháp Z-score được phát triển vào những năm 1960 bởi giáo sư tài chính người Mỹ Edward Altman để dự đoán các vụ phá sản, Bloomberg đã nghiên cứu các hãng hàng không thương mại lớn được niêm yết công khai nhằm xác định những hãng đang bị đe dọa nhiều nhất.
Mức điểm 1,8 hoặc thấp hơn cho thấy rủi ro phá sản, trong khi 3 điểm trở lên trên cho thấy khả năng tài chính vững chắc. Nghiên cứu này không tính đến các nguồn tài trợ bổ sung tiềm năng.
Bloomberg cho hay điểm số Z dùng năm biến số: tính thanh khoản, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, đòn bẩy và hiệu suất gần đây.
Phân tích của Bloomberg không bao gồm các hãng hàng không không hoạt động, hãng hàng không thuê chuyến, đồng thời loại bỏ các hãng vận chuyển có đội bay nhỏ nhất.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium, trong số các công ty có mức điểm thấp nhất, 6 công ty ở châu Á, nơi lưu lượng hành khách hàng không giữa các khu vực vẫn thấp hơn 61% so với mức trước đại dịch.
Chiến lược "Zero-COVID" của Bắc Kinh hạn chế nghiêm trọng khả năng du lịch quốc tế của khách Trung Quốc, càng làm lu mờ triển vọng phục hồi.
Một điểm đáng lưu ý là hoạt động vận chuyển hàng hóa, đã giúp giảm bớt khoản lỗ lớn trong doanh thu từ hành khách. Trong đại dịch, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao từ máy tính xách tay đến vaccine.
Vận tải hàng không đã đã giúp hãng bay giá rẻ của Ấn Độ là SpiceJet Ltd. - công ty vốn nằm trong danh sách có thể phá sản vào năm 2020 nhưng đã cải thiện vị trí của mình - có lãi trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/12.
Những cú sốc liên tiếp
Tháng 9 năm ngoái, Ascend by Cirium, công ty về cơ sở dữ liệu về hàng không cho hay, kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch về cơ bản làm ngừng hoạt động của hàng không toàn cầu, ít nhất 68 hãng hàng không đã phá sản, bị giải thể hoặc thanh lý.
Một số hãng hàng không trong danh sách hiện có thể ở trong tình trạng tốt hơn sau khi nhận được những khoản hỗ trợ tài chính. Norwegian Air Shuttle ASA cho biết tiền mặt và các khoản tương đương của họ đã tăng lên 7,7 tỷ kroner Na Uy ( tương đương với 866 triệu USD) vào cuối năm 2021, sau khi công ty cơ cấu lại các khoản nợ trong thủ tục phá sản có sự giám sát của tòa án.
Người phát ngôn của Norwegian Air, Esben Tuman cho biết trong một email: "Chúng tôi hiện có một vị thế tài chính vững chắc với khoản nợ phải trả lãi suất thấp và một bộ máy cũng như đội máy bay có quy mô phù hợp và linh hoạt".
Trong khi đó, Thai Airways International cần khoảng 750 triệu USD tài trợ để tiếp tục hoạt động bay và hy vọng sẽ nhận được khoản vay trong vòng sáu tuần tới khi cơ cấu lại khoản nợ ít nhất 170 tỷ Baht ( tương đương 5,3 tỷ USD).
Abdullah Hafeez Khan, phát ngôn viên của hãng hàng không Pakistan International Airlines Corp, công ty nhận điểm -8,3 cho biết một kế hoạch đang được thực hiện để chuyển khoản nợ khoảng 3 tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán.
"Thế giới đang mở cửa và việc hạn chế đi lại sẽ dần biến mất, nhưng nó vẫn chưa kết thúc", ông Khan nói.
Thế giới đang mở cửa và việc hạn chế đi lại sẽ dần biến mất, nhưng nó vẫn chưa kết thúc (Ảnh minh hoạ - Ảnh: AP)
Thế giới đang mở cửa và việc hạn chế đi lại sẽ dần biến mất, nhưng nó vẫn chưa kết thúc
Hãng bay vốn sở hữu những chặng bay dày đặc trước đại dịch AirAsia nhận điểm Z thấp nhất. Công ty vừa được đổi tên thành Capital, đồng thời gọi vốn cho những lĩnh vực kinh doanh mới.
Từng được quảng cáo là một mô hình mang tính cách mạng cho du lịch quốc tế giá rẻ, hoạt động vận chuyển hành khách thương mại của AirAsia đã bắt đầu trở lại tháng 3/2020 với nhiều khó khăn. Hiện công ty đang cơ cấu lại khoản nợ hơn 8 tỷ USD.
Mô hình kinh doanh phụ thuộc vào du lịch quốc tế giá rẻ, đã dừng lại khi các chuyến bay đường dài đột nhiên trở thành dĩ vãng.
Thách thức ở củng cố niềm tin cho du khách
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) lưu lượng hành khách toàn cầu cả năm cho năm 2021 giảm 58,4% so với cả năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Mặc dù đã mức giảm đã đỡ hơn so với năm 2020 là 65,8%, nhưng nhìn chung năm 2021 vẫn là một năm "mất mát" với ngành hàng không thế giới.
Trong đó, cụ thể, nhu cầu hành khách quốc tế năm 2021 thấp hơn 75,5% so với năm 2019. Nhu cầu nội địa năm 2021 giảm 28,2% so với năm 2019.
COVID-19 vẫn đã và đang tác động lớn đến nhu cầu di chuyển hàng không quốc tế
Doanh số bán vé cho các chuyến du lịch trong nước và quốc tế trong tương lai giảm sút kể từ tháng 11. Vé bán cho các chuyến du lịch trong tương lai chỉ ở mức 45% của năm 2019 trong nửa đầu tháng 1 - thấp hơn so với mức 50% trong tháng 12 và 56% trong tháng 11. Điều này cho thấy tác động của biến thể Omicron lên ngành du lịch toàn cầu.
"Nhu cầu du lịch nói chung đã tăng vào năm 2021. Xu hướng đó tiếp tục đến tháng 12 bất chấp các hạn chế đi lại khi thế giới đối mặt với biến thể Omicron. Thách thức cho năm 2022 là củng cố niềm tin của du khách bằng cách bình thường hóa du lịch. Mặc dù du lịch quốc tế vẫn còn xa bình thường ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn có động lực đi đúng hướng. Chúng tôi hy vọng thêm nhiều thị trường mở đặc biệt là ở châu Á", ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!