Ngày 21/4, cả nước Nga đã ghi nhận gần 53.000 ca nhiễm COVID-19, với gần 6.000 ca nhiễm mới trong một ngày qua. Đây đã là tuần thứ 4 của tháng thực hiện chế độ cách ly xã hội nhưng mức độ lây nhiễm không hề giảm đi. Trong khi Chính phủ Nga tiếp tục thảo luận về kế hoạch gia hạn thời gian tự cách ly để đối phó dịch bệnh thì các nhà kinh tế đang hy vọng vào một kịch bản không tiêu cực cho nền kinh tế Nga.
Một tháng cách ly, Moscow đóng cửa 15.000 quán cà phê, nhà hàng, ngừng hoạt động 40.000 cửa hàng, siêu thị. 73% các cơ sở kinh doanh thương mại ở thủ đô "đóng băng", trong khi con số này nếu tính trên toàn nước Nga là gần 40%. Chế độ cách ly xã hội khiến hàng chục ngành nghề ở Nga giảm giá trị gia tăng trong khoản từ 3,9% - 84%, tổn thất nặng nề nhất ở các khách sạn và cơ sở kinh doanh ăn uống.
Các chuyên gia của Tập đoàn tài chính Alpari ước tính, giá trị kinh tế của một tuần "nghỉ cách ly" của nước Nga là 1,5% GDP và 1 tháng là 6%. GDP của năm 2020 từng được mong đợi là 112,9 nghìn tỷ Rub, tổn thất của 1 tháng sẽ là 6,5 nghìn tỷ Rub, tương đương 87 tỷ USD. Nhưng một phần trong số đó đã được bù đắp bằng các biện pháp chống khủng hoảng và tăng chi ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong khi đó, các chuyên gia của Viện tăng trưởng kinh tế đưa ra dự báo, GDP của Nga sẽ giảm 4-5% trong kịch bản với những hạn chế cách ly kéo dài 2-3 tháng. Trong hơn 3 tháng "sẽ không còn có thể đảm bảo bằng chi phí của các nguồn lực sẵn có của Nhà nước, dân cư và doanh nghiệp". Nếu kéo dài 6 tháng, kinh tế Nga đã đi qua "điểm không thể quay trở lại" khi GDP sẽ giảm đến 20%.
Tổng thống Nga Putin vào đầu tháng 4 đã tuyên bố: "Giữ việc làm và thu nhập của người dân là ưu tiên chung của chính phủ và doanh nghiệp". Tuy nhiên, thực tế điều này gần như không thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa đi qua và thời hạn cách ly còn có thể kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!