Giảm lãi suất huy động hướng tới giảm lãi suất cho vay
Các doanh nghiệp đang rất mong chờ mức giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm lần này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, hướng tới việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay.
Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam vừa được ngân hàng thông báo sẽ được giảm thêm 0,5% lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, bắt đầu từ tháng 6 tới. Đây đã là lần thứ 2 họ được giảm lãi suất cho vay trong năm nay.
"Chúng tôi được giảm từ 8,3% xuống 7,7%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. Chúng tôi là những doanh nghiệp trẻ nên rất cần các nguồn vốn lưu động để đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, mua nguyên, vật liệu phục vụ khách hàng. Với số lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ mua được nguyên vật liệu tốt với mức giá tốt hơn", ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam, chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp để hỗ trợ nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Để giảm được lãi suất, nhiều ngân hàng cho biết đã tiết giảm chi phí hoạt động, như Agribank vừa dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Từ đầu năm, các ngân hàng cũng thực hiện nhiều đợt hạ lãi suất, cả huy động và cho vay.
"Ngày mai tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 8 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất đầu vào đã giảm tương đối so với năm 2022. Đây là điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm với từng đối tượng, lĩnh vực, có đối tượng đã giảm 4% so với đầu năm, bình quân giảm 1%", ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.
"So với thời điểm cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất cho vay của chúng tôi đã giảm từ 2 - 4% tập trung vào khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, để đồng hành cùng khách hàng trong việc giảm chi phí vốn, thúc đẩy tái sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư, tiêu dùng", ông Tống Minh Mẫn, Giám đốc Phát triển sản phẩm huy động vốn PVcomBank, cho hay.
Đại diện ngân hàng chia sẻ việc đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ là chỉ đạo từ Chính phủ, mà còn có ý nghĩa với bản thân chính ngân hàng thương mại. Bởi chỉ khi doanh nghiệp khỏe, mới có điều kiện trả nợ vay cho ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động.
Tăng cường chính sách tín dụng và cơ cấu nợ
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các chính sách tín dụng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ một cách đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch; báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền để có hướng tháo gỡ.
Giảm lãi suất cho vay cần thêm giải pháp hỗ trợ đồng bộ
Chỉ thị mới được xem là cần thiết, bởi những chính sách như gói hỗ trợ lãi suất 2%, hay gói tín dụng 120.000 tỷ..., việc giải ngân vẫn còn chậm, chưa tới được tay người thụ hưởng. Do đó, động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này mới chỉ là bước đầu, sau đó mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm sâu tới đâu vẫn là câu hỏi mở.
Trong số một loạt các lãi suất điều hành vừa được điều chỉnh giảm, việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được đánh giá là quan trọng nhất. Đây đã là lần giảm thứ 2 liên tiếp.
"Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tiền gửi của các tổ chức tín dụng kỳ hạn dưới 6 tháng, mục tiêu để giảm nhanh, giảm ngay lãi suất trên thị trường, từ đó có cơ sở để các tổ chức tín dụng có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đây là một tác động rất trực tiếp, kịp thời. Các mức lãi suất điều hành khác có tác dụng gián tiếp, hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Ngay lập tức, các ngân hàng đã có động thái chuẩn bị biểu lãi suất huy động mới, có hiệu lực từ ngày 25/5. Tại ngân hàng ACB, đây là lần thứ 3 trong tháng điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
"Trong tháng 5 đã chủ động giảm lãi suất huy động 2 lần. Ngày 25/5, ACB tiếp tục lần giảm lãi suất huy động thứ 3, giảm 0,5 - 0,7% trên biểu lãi suất công bố của ngân hàng", bà Đinh Thị Thu Thảo - Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân, ngân hàng ACB, cho biết.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất điều hành đang phù hợp với kỳ vọng thị trường, trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá không quá lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cần độ trễ từ 3 - 4 tháng để có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp tại các kỳ hạn ngắn này, nhằm giảm dần tổng chi phí vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang khó trong việc hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài.
Việc đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ là chỉ đạo từ Chính phủ, mà còn có ý nghĩa với bản thân chính ngân hàng thương mại. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Liên quan đến quy định vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, từ tháng 9 năm nay sẽ giảm xuống chỉ còn 30%. Đó là việc làm các ngân hàng phải tiếp tục tìm cách huy động vốn dài hạn, khiến vốn dài hạn hạ xuống chậm hơn so với kỳ vọng", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank, đánh giá.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu của các ngân hàng cũng đang gặp khó khi vướng quy định phải có ý kiến kiểm toán định kỳ về mục đích sử dụng vốn nên chỉ có thể tập trung huy động từ tiền gửi, do đó cần những giải pháp để giúp lãi suất huy động dài hạn giảm nhanh hơn, mới có thể để đẩy giá vốn bình quân của các ngân hàng đi xuống.
Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù đã có 2 lần hạ lãi suất điều hành kể từ đầu năm, nhưng mức giảm lãi suất huy động mới bình quân của các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 0,18% so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, động thái hạ lãi suất điều hành không đồng nghĩa với tăng thanh khoản lãi suất thấp ra thị trường.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước phải vừa đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế, vừa phải giữ ổn định lạm phát và tỷ giá ở mức ổn định, 2 mục tiêu đòi hỏi việc điều tiết lượng tiền ra lưu thông theo 2 hướng khác nhau.
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có buổi họp với các tổ chức tín dụng để cùng thảo luận về việc giảm lãi suất cho vay, lắng nghe các khó khăn của ngân hàng trong quá trình triển khai, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp, vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa cân đối đảm bảo an toàn hoạt động cho các ngân hàng thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!