Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng giảm tốc và sức ép gia tăng đối với các doanh nghiệp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến các ngân hàng trung ương từ Nhật Bản tới Australia nghiêng về nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cuối năm 2018, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển tại khu vực châu Á như Nhật Bản hay Australia đều xem xét khả năng nâng lãi suất. Trong khi đó, áp lực ngân sách từ thâm hụt cán cân vãng lai tại các thị trường mới nổi cũng đã buộc Ấn Độ, Indonesia hay Philippines phải duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng ở thời điểm này, các nền kinh tế trên đều phải tính chuyện giảm lãi suất. Đồng USD yếu đi và giá dầu giảm được xem là nhân tố quan trọng trong sự thay đổi lập trường chính sách của Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Ông Piyush Gupta, CEO Ngân hàng DBS, Singapore cho biết: "Rõ ràng, các ngân hàng trung ương châu Á đang nghĩ lại về chính sách tiền tệ. Các nền kinh tế chủ chốt đều có mức lạm phát ở cận dưới, hoặc thậm chí thấp hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương. Do vậy, nới lỏng chính sách tiền tệ trở nên cấp bách hơn, dù nới lỏng có thể chưa đủ để đẩy tăng trưởng kinh tế đi lên".
Cũng theo CEO của DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp cận thận trọng hơn trong việc nâng lãi suất cũng đã làm giảm áp lực lên các đồng tiền châu Á.
Ngày 19/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết, BOJ sẵn sàng tăng cường chính sách kích cầu nếu đồng Yen tăng giá mạnh gây tổn hại tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giá cả.
Cùng ngày, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines cũng khẳng định, ngân hàng này sẽ hành động nhanh chóng nếu các điều kiện thanh khoản không đủ để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã bất ngờ cắt giảm lãi suất vào tháng 2 và các chuyên gia dự báo, nước này sắp có thêm một đợt hạ lãi suất nữa.
Tuy nhiên, không phải không có nhân tố lực cản cho cú xoay 180 độ này. Theo các chuyên gia, số lần cắt giảm lãi suất của các nền kinh tế châu Á sẽ tùy thuộc vào diễn biến kinh tế Trung Quốc, liệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có được giải quyết và các biện pháp kích cầu của Bắc Kinh thành công tới mức độ nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!