Tờ Der Standard ra tại Áo viết: "Dịch tả lợn châu Phi cũng xuất hiện ở châu Âu, tại các nước Baltic, Ba Lan và Nga, nhưng đến lúc này Áo và Đức cũng như tất cả các nước Tây Âu khác vẫn an toàn". Ngay từ lúc virus bắt đầu lan vào lãnh thổ Liên minh châu Âu, năm 2014, các nước châu Âu đã áp dụng một loạt biện pháp ngăn ngừa.
Theo tờ báo của Áo, các biện pháp phòng ngừa dựa trên đặc tính của virus tả lợn, là chỉ nhiễm cho lợn chứ không lây sang người hay bất cứ động vật nào khác, tốc độ lan truyền tương đối chậm, virus không thể sống được trong không khí hay trong nước, mà chỉ trực tiếp lây qua đường máu, hay do con lợn ăn phải thịt lợn nhiễm virus mà chưa được nấu chín. Như vậy. chỉ cần cách ly không cho con lợn khỏe gặp con lợn ốm và làm thế nào để con lợn khỏe không ăn phải thịt lợn chưa chín.
Cuối năm 2018, Vương quốc Bỉ phát hiện có lợn lòi chết vì virus tả. Bỉ ở rất xa các nước Đông Âu, nhưng làm thế nào lợn hoang ở Bỉ lại bị nhiễm virus? Tuy nhiên, nước này đã cô lập khu rừng có lợn chết, tạo một đường vành đai trắng bao quanh, tiêu diệt lợn lòi trong vành đai đó bất kể có bị nhiễm virus hay không. Nhờ cách ly được lợn rừng với lợn nhà, tới lúc này chưa trang trại lợn nào ở Vương quốc Bỉ bị nhiễm dịch. Khi biết lợn hoang ở Bỉ nhiễm dịch, nước Pháp đã dựng nhiều lớp rào ở khu vực biên giới với Bỉ.
Những nước khác chưa phát hiện virus cũng đã hành động rất sớm, ví dụ hồi đầu năm nay, Đan Mạch dựng hàng rào ngăn lợn lòi dọc theo biên giới với Đức, mặc dù cả Đức và Đan Mạch đều chưa phát hiện lợn nhiễm virus. Tại các nước, mỗi trang trại lợn đều rào dậu kỹ lưỡng, khử trùng diệt khuẩn và kiểm soát ngặt nghèo mọi thứ đưa vào trang trại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!