Các nước chạy đua khai thác lithium

VTV Digital-Thứ ba, ngày 04/07/2023 13:46 GMT+7

VTV.vn - Các quốc gia sở hữu nguồn lithium dồi dào đều đang cố gắng gia tăng sản lượng khai thác.

Ngành xe điện đối mặt nguy cơ thiếu hụt lithium

Sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường xe điện thế giới đang kéo theo nhu cầu tăng vọt đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng, trong đó có lithium - nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin xe điện.

Theo tính toán, mỗi bộ pin xe điện cần khoảng 8 kg lithium. Với mức độ sử dụng như hiện nay, thị trường được dự báo sẽ sớm rơi vào tình trạng thiếu hụt lithium trầm trọng.

AP trích dẫn các nghiên cứu cho thấy, tới năm 2030, nhu cầu lithium trên toàn cầu có thể đạt 3 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác dự kiến chỉ là 1,5 triệu tấn.

Nguy cơ cung không đáp ứng đủ cầu đang buộc các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới phải đẩy mạnh các nỗ lực chạy đua tìm kiếm nguồn cung loại tài nguyên được ví như "vàng trắng" này.

Theo AP, để đảm bảo có đủ lithium, các hãng xe GM của Mỹ và BYD của Trung Quốc gần đây đã trực tiếp tiếp cận nguồn cung và mua cổ phần tại các mỏ khai thác.

Các nước chạy đua khai thác lithium - Ảnh 1.

Khai thác lithium tại Chile. ((Ảnh: Getty Images)

Hãng xe Ford đã ký các hợp đồng dài hạn tới 11 năm với các nhà cung cấp lithium, trong khi Volkswagen và Honda Motor hướng tới việc thiết lập những liên doanh tái chế nguồn nguyên liệu này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, ngành công nghiệp sản xuất xe điện cần mạnh tay đầu tư hơn nếu không muốn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lithium sớm nhất vào đầu năm 2025.

Các nước Mỹ Latin tận dụng lợi thế tài nguyên lithium

Trong khi đó, các quốc gia sở hữu nguồn lithium dồi dào như Australia, Trung Quốc, đều đang cố gắng gia tăng sản lượng khai thác. Các nước Mỹ Latin, vốn có nhiều lợi thế về trữ lượng khoáng sản, nhưng lại hạn chế về vốn và công nghệ, cũng đang nhanh chóng triển khai các chính sách nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn tài nguyên của mình.

Ngày 30/6, Chính phủ Bolivia đã đạt được các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 1,4 tỷ USD, với các doanh nghiệp khai khoáng của Nga và Trung Quốc. Thỏa thuận mới được dự báo có thể giúp Bolivia nâng sản lượng lithium carbonate lên 100.000 tấn vào năm 2025.

Hai quốc gia khác thuộc tam giác lithium ở châu Mỹ Latin là Argentina và Chile cũng vừa ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với Liên minh châu Âu trong việc thúc đẩy khai thác lithium.

Bên cạnh đó, theo Wall Street Journal, các quốc gia đang phát triển cũng cố gắng tăng cường kiểm soát nguồn tài nguyên của mình để đảm bảo lợi ích quốc gia. Mexico đã quyết định quốc hữu hóa các mỏ lithium hồi năm 2022, trong khi Chile vừa công bố kế hoạch tương tự hồi tháng 4, yêu cầu mọi dự án khai thác lithium mới phải do chính phủ nắm cổ phần kiểm soát.

Các nước châu Âu thúc đẩy khai thác lithium nội địa

Những động thái thắt chặt kiểm soát của các quốc gia giàu tài nguyên được dự báo sẽ khiến cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung lithium ngày càng quyết liệt hơn. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho những nền kinh tế có ngành công nghiệp ô tô điện phát triển nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lithium như Mỹ hay châu Âu.

Để ứng phó với rủi ro thiếu hụt, các nền kinh tế này một mặt cố gắng thiết lập các chuỗi cung ứng với các đối tác thân cận, tăng cường việc tái chế lithium, nhưng mặt khác cũng tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Nhiều nỗ lực đáng chú ý đang được ghi nhận tại châu Âu.

Khu mỏ tại thị trấn công nghiệp Cornwall miền Tây Nam nước Anh từng nổi tiếng về khai thác thiếc và giờ là lithium - nguyên liệu đang được săn lùng trên khắp thế giới.

Ngày 29/6 vừa qua, công ty khai khoáng Imerys của Pháp cho biết đã thiết lập liên doanh với công ty khởi nghiệp của Anh British Lithium để phát triển một khu mỏ có thể cung cấp đủ lithium cho nửa triệu xe ô tô điện mỗi năm. Sản lượng trên dự kiến đạt được vào năm 2030, đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu pin xe điện của Vương quốc Anh. Đó cũng là thời điểm nước Anh dự kiến chấm dứt bán các loại xe chạy xăng và dầu diesel.

"Châu Âu đang đầu tư rất nhiều và vương quốc Anh cũng vậy. Chúng tôi phải làm điều này thật nhanh, bởi vì thế giới đang chuyển động, chúng tôi không muốn thua trong cuộc đua này", ông Alessandro Dazza, Giám đốc điều hành công ty Imerys, cho biết.

Còn tại châu Âu lục địa, các dự án khai thác lithium cũng dần được đẩy mạnh tại một số quốc gia như Bồ Đào Nha, Phần Lan… Cuối năm 2022, Công ty Imerys đã mở mỏ khai thác lithium ở miền Trung nước Pháp, với mục tiêu sản xuất 34.000 tấn lithium hydroxide mỗi năm kể từ năm 2028.

"Châu Âu hiện gần như không sản xuất được lithium. Vì vậy các dự án như thế này không chỉ đóng góp cho quá trình chuyển đổi năng lượng, mà còn góp phần đảm bảo cho sự tự chủ về nguồn cung của châu Âu", ông Alan Parte, Giám đốc dự án mỏ lithium Emili, cho hay.

Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang xây dựng dự thảo luật về nguồn cung các nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm lithium. Các nước châu Âu đặt mục tiêu sẽ khai thác nhiều hơn từ các mỏ khoáng sản nội địa. Nguồn cung này được kỳ vọng sẽ đảm bảo ít nhất 10% nhu cầu tiêu thụ của toàn khối trong tương lai.

Chile tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp lithium Chile tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp lithium

VTV.vn - Theo kế hoạch, các dự án khai thác lithium mới ở Chile sẽ chỉ được chấp thuận với điều kiện chính phủ nắm cổ phần kiểm soát thông qua một công ty nhà nước sắp thành lập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước