Thị trường vật phẩm NFT vừa được hâm nóng, sau sự kiện nhãn hàng xa xỉ Hermes giành chiến thắng trong vụ kiện với nhà thiết kế NFT Mason Rothchilds.
Một tòa án Liên bang tại New York, Mỹ đã phán quyết rằng bộ sưu tập NFT của Rothchild, dựa trên hình ảnh dòng túi Birkin do Hermes sản xuất đã vi phạm bản quyền thương hiệu của hãng thời trang Pháp.
Tòa án đã yêu cầu nhà thiết kế này bồi thường 133.000 USD cho Hermes, nhưng đây chỉ là một con số khiêm tốn khi theo một số sàn giao dịch NFT, bộ sưu tập này đã thu về số tiền ước tính hơn 900.000 USD và một số vật phẩm trong đó có giá còn cao hơn cả túi thật.
Việc đặt chân vào lĩnh vực NFT được cho là sẽ giúp các nhãn hàng xa xỉ bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình và mở ra hướng đi mới tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích thực tế ảo. (Ảnh: Daily Mail)
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thắng lợi này chỉ là bước đầu tiên để Hermes nhảy vào lĩnh vực thời trang ảo. Trước đó, công ty này từng tiết lộ kế hoạch xây dựng ứng dụng vật phẩm số, mở cửa hàng ảo để bán NFT và trình diễn thời trang trên metaverse.
Hermes không phải là cái tên đầu tiên trong giới đồ xa xỉ quan tâm tới NFT. Năm 2022, thương hiệu trang sức Tiffany's thuộc tập đoàn LVMH ra mắt một bộ sưu tập mặt dây chuyền chỉ bán riêng trên nền tảng NFT CryptoFunk, người mua vật phẩm số sẽ được nhận kèm mặt dây chuyền thật. Hay Gucci của Kering cũng ra mắt một dòng NFT riêng và liên tục tổ chức sự kiện trên các nền tảng metaverse.
Việc đặt chân vào lĩnh vực NFT được cho là sẽ giúp các nhãn hàng xa xỉ bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình và mở ra hướng đi mới tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích thực tế ảo.
Dù đang gặp thách thức khi thị trường tiền số lao dốc, tiềm năng của NFT vẫn được đánh giá cao, khi trong năm ngoái, các thương hiệu thời trang lớn đã thu về khoảng 260 triệu USD doanh thu từ lĩnh vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!