Tình trạng thiếu hụt nguồn cung
Khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm sản lượng và các đơn đặt hàng phụ tùng. Nhưng khi doanh số bắt đầu phục hồi, các nhà sản xuất lại rơi vào tình trạng thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn cần thiết, buộc họ phải giảm mạnh sản lượng. Theo công ty tư vấn về quản trị kinh doanh AlixPartners, ngành ô tô đã thiệt hại khoảng 210 tỷ USD doanh thu trong năm 2021. Dù tình trạng thiếu hụt chip đã cải thiện phần nào, nhưng nguồn cung linh kiện quan trọng này vẫn chưa bình thường trở lại, và hoạt động sản xuất ô tô sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong năm 2022. Tệ hơn nữa, ngành ô tô có thể còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiều phụ tùng khác như lốp xe, nhựa nội thất và đệm ghế.
Giá xe mới tăng cao
Tổng cộng, các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới đã sản xuất ít hơn dự kiến năm ngoái khoảng 8 triệu chiếc do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Kể cả khi sản lượng phục hồi, thì các nhà phân phối cũng không thể ngay lập tức dự trữ được lượng hàng trong kho như trước. Kết quả là người mua sẽ có ít sự lựa chọn hơn, trong khi giá ô tô sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục. Vào cuối năm 2021, một chiếc xe ô tô mới điển hình có giá 45.000 USD, tăng khoảng 8.000 USD so với thời điểm tháng 12/2020.
Sự phổ biến của hình thức mua ô tô trực tuyến
Khi Mỹ bước vào giai đoạn phong tỏa do dịch COVID-19, ngành ô tô đã nảy ra một ý tưởng mới lạ. Vì người tiêu dùng không thể đi đến cửa hàng, nên các nhà phân phối đã tìm đến khách hàng thông qua mạng Internet. Kể cả sau khi Mỹ mở cửa trở lại, ngày càng có nhiều khách hàng mua xe ô tô trực tuyến, sau đó các nhà bán lẻ sẽ lên lịch lái thử xe và giao xe đến nhà hay văn phòng của khách hàng. Trong khi đó, các cửa hàng trưng bày gần như không còn xe, nên nhiều khi khách hàng phải chờ nhiều tháng sau khi đặt hàng mới được giao xe.
Xe điện hứa hẹn bùng nổ
Xe điện chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh số ô tô mới ở Mỹ, nhưng nhu cầu đối với các loại xe này đã tăng gấp đôi chỉ trong nửa đầu năm 2021. Giám đốc điều hành của General Motors (GM), bà Mary Barra, cho rằng năm nay có thể là một năm "bước ngoặt", khi thị trường xe điện bùng nổ. Nhiều yếu tố sẽ góp phần vào sự tăng trưởng này, bắt đầu với một loạt các mẫu mã mới. Giới phân tích dự đoán số mẫu xe điện chặng dài sẽ tăng gấp bốn lần trong năm 2022.
Tác động của Kế hoạch "Build Back Better"
Tổng thống Mỹ Joe Biden rất chú trọng đến ngành ô tô. Tháng 12/2021, Nhà Trắng đã công bố các tiêu chuẩn khắt khe nhất về hiệu suất sử dụng nhiên liệu, và ông Biden cho biết ông muốn đến năm 2030, xe điện chiếm đến 50% doanh số xe tại Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn) của ông Biden dành một khoản vốn lớn để xây dựng mạng lưới sạc điện trên cả nước. Nhưng nhiều khoản vốn khác, trong đó có kinh phí để tăng cường các chương trình ưu đãi cho xe điện, hiện vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Sự nổi lên của các startup
Ngành ô tô lâu nay vẫn là một ngành rất khó gia nhập đối với những công ty mới, nhưng Tesla đã chứng minh họ có thể phá vỡ các rào cản của thị trường này. Giờ đây, các công ty khởi nghiệp (startup) khác cũng muốn viết tiếp câu chuyện thành công của Tesla. Thị trường chứng khoán Mỹ đã "chắp cánh" cho nhiều công ty sản xuất xe điện đầy tiềm năng. Rivian hiện có giá trị vốn hóa thị trường hơn 90 tỷ USD, cao hơn cả Ford hay General Motors. Nhưng các startup khác, như Byton, Lordstown Motors và Faraday Future vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình khẳng định mình.
Nhiều trở ngại chờ đợi Tesla
Thoạt nhìn, năm 2022 có vẻ sẽ là một năm thuận lợi với Tesla sau khi "ông lớn" này xác lập các mức doanh số và lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2021. Nhà sản xuất xe điện này hiện có hai nhà máy, một ở thành phố Austin, bang Texas, và một ở Berlin. Nhưng nhiều sản phẩm chủ lực của Tesla, trong đó có mẫu xe bán tải Cybertruck, đã chậm tiến độ rất lâu, cũng như các loại pin thế hệ tiếp mới mà Tesla đang phát triển. Nhà sản xuất xe điện này đang chịu nhiều áp lực từ Chính phủ Trung Quốc và đối mặt với nhiều cuộc điều tra về tính an toàn của giới chức Mỹ.
Xe tự lái có thể lỡ hẹn
Các nhà sản xuất ô tô đã từng hứa hẹn sẽ hoàn tất việc sản xuất một chiếc xe tự lái hoàn toàn vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022 có thể chứng kiến một số bước đột phá. GM và Mercedes-Benz dự kiến sẽ ra mắt công nghệ tự lái hoàn toàn đầu tiên, tức cấp độ ba theo thuật ngữ chuyên ngành. Các công ty khác như Waymo và Cruise lại đang tập trung các dịch vụ chia sẻ xe và vận chuyển hàng hóa. Nhưng các cuộc điều tra về tính an toàn liên quan đến tính năng tự lái Autopilot của Tesla là một lời cảnh báo rằng việc phát triển một chiếc xe tự lái hoàn toàn là một thách thức hết sức khó khăn.
Các nhà sản xuất Trung Quốc tiến gần đến thị trường Mỹ
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nhưng các nhà sản xuất của nước này như Geely và Great Wall lại muốn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tuy nhiên, những nỗ lực thâm nhập thị trường lớn thứ hai thế giới là Mỹ đã nhiều lần bị trì hoãn. Những căng thẳng thương mại song phương dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn chưa được chính quyền của ông Biden tháo gỡ. Vì thế, dù vẫn có nhiều loại xe do Trung Quốc sản xuất có mặt tại các cửa hàng trưng bày ở Mỹ, như các mẫu xe Buick Envision và Polestar 2, nhưng có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc mới thực sự bước chân được vào thị trường này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!