Năm 2021, số các doanh nghiệp hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo đã vượt qua con số khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này cho thấy hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp trên trở nên sôi động khi môi trường kinh doanh thay đổi do tác động của dịch COVID-19.
Báo Yomiuri cho biết, theo thống kê của Tokyo Shoko Research, trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo có đến 86 công ty đã hủy niêm yết. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu tiêu cực bởi có chỉ có 2 trong tổng số 86 doanh nghiệp hủy niêm yết khi không đáp ứng các tiêu chí, còn lại hơn 90% là để thực hiện các thương vụ mua bán và sát nhập.
Ông Kenji Goto - Trưởng phòng thông tin của Tokyo Shoko Research cho biết, trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, nhiều doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh việc tái cơ cấu nhằm tăng cường năng lực trên thị trường chứng khoán.
Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo cũng đưa ra những cải tổ lớn, đáp ứng xu thế tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp.
Quang cảnh bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Theo báo Nikkei, sau khi công bố các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ thực hiện sự cải tổ lớn nhất trong vòng 60 năm qua khi tổ chức 5 phân khúc thị trường chứng khoán hiện tại thành 3 phân khúc thị trường từ tháng 4 gồm: Thị trường hàng đầu Prime, thị trường tiêu chuẩn Standard và thị trường tăng trưởng Growth.
Thống kê cho thấy số doanh nghiệp được niêm yết tại thị trường Prime sẽ là 1.841, thị trường Standard là 1.477 và thị trường growth sẽ là 459 doanh nghiệp.
Cùng với sự cải tổ này, báo Asahi cho biết, tính thanh khoản là trọng tâm của các nhà đầu tư toàn cầu, do đó Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ thắt chặt tiêu chuẩn về giá trị vốn hóa thị trường và tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành.
Như để được niêm yết trên thị trường hàng đầu "Prime", các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện mức vốn hóa thị trường từ 10 tỷ Yen và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành phải được giữ ở mức 35% trở lên. Theo Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo Hiromi Yamamichi cho biết, mục tiêu cuối cùng của sự cải tổ là nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Trong môi trường kinh doanh hậu COVID-19, các tiêu chuẩn mới buộc các doanh nghiệp cải tiến, các hoạt động mua bán và sát nhập diễn ra sôi động. Đây là được coi động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!