Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu để cứu các nhà máy lọc dầu trong nước vì lượng tồn kho hiện rất lớn. Trước đề xuất này, đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ đang cân nhắc thận trọng, bởi hiện nay cả nước có 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu cấm nhập khẩu thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
"Nếu chúng ta hạn chế hoặc cấm nhập khẩu xăng dầu thì trong 33 doanh nghiệp chỉ còn 1 doanh nghiệp nhập khẩu, được phép bán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả, quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tại Việt Nam dùng xăng dầu làm đầu vào" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.
Liên quan đến thời gian công bố cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chia 5 bậc thang, thay vì 6 bậc như hiện nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết đề án này đã được đưa ra lấy ý kiến, nhưng thời gian qua phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, do vậy đã kiến nghị Chính phủ xin được lùi thời gian đến cuối năm nay.
Về việc tiêu thụ trái vải thiều khi năm nay quả vải cho năng suất cao, nhưng đầu ra lại đang gặp khó vì một số thị trường nhập khẩu đang tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh thời gian qua các bộ, ngành đã đổi mới phương thức xúc tiến thương mại qua trực tuyến; ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, đã hướng tới các thị trường khác như Nhật Bản, Ấn Độ.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay ngoài việc xuất khẩu quả vải thiều tươi, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đầu tư công nghệ để làm vải khô, đồ hộp nước uống và các sản phẩm khác. Các ngành sẽ không để bị động trong tiêu thụ quả vải thiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!