Cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các dự án "đất vàng"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 28/05/2018 14:59 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên thảo luận sáng 28/5, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, vẫn cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các dự án "đất vàng".

Sáng nay (28/5), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Những điểm vướng mắc nhất, hạn chế nhất của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, những tồn tại gây thất thoát tài sản Nhà nước được các đại biểu thẳng thắn thừa nhận.

Dẫn ví dụ về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một trường hợp cổ phần hóa "thiếu thấu đáo", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, quá trình cổ phần hóa diễn ra chớp nhoáng nên không chỉ xảy ra thất thoát đất đai và các tài sản trên đất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm của người lao động. Do đó, cá nhân, tổ chức để xảy ra thất thoát cần được chỉ rõ trách nhiệm.

Cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các dự án đất vàng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước đây, nhiều doanh nghiệp không thực hiện rà soát quỹ đất và nhu cầu sử dụng đất trước khi cổ phần hóa nên chưa đưa giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vì chưa đánh giá được vị thế của mảnh đất nên giá đất hiện hành khác với giá thị trường, dẫn đến khó khăn trong việc đấu giá. Một số trường hợp doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa lại sử dụng đất không đúng mục đích, nhiều khu "đất vàng" được các doanh nghiệp đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù tình trạng này đã được hạn chế kể từ khi Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN có hiệu lực từ đầu năm 2017, tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các dự án "đất vàng".

Tranh luận với ý kiến của một số đại biểu, ông Phạm Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, kể cả khi thuê tư vấn nước ngoài để định giá đất cũng khó chính xác 100% theo dữ liệu giá thị trường. Do đó, nguy cơ mất vốn Nhà nước không nằm ở việc định giá doanh nghiệp mà ở khâu tổ chức đấu giá.

Tại hội trường sáng nay (28/5), một số đại biểu cũng cho rằng, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho các DNNN trên địa bàn. Do đó, khi tiến hành cổ phần hóa cần cho phép địa phương giữ lại vốn cổ phẩn để đầu tư phát triển các doanh nghiệp khác hoặc phục vụ cho các hoạt động kinh tế xã hội chứ không nộp hết về Trung ương. Bên cạnh đó, để huy động được nguồn lực xã hội, DNNN quy mô vừa và nhỏ cũng nên được thoái vốn 100% thay vì Nhà nước phải giữ trên 50% như hiện nay.

TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

VTV.vn - Hôm nay (28/5), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận phiên toàn thể về sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước