Nỗi lo khi tổng cầu yếu
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kinh tế nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế.
Số liệu báo cáo về kinh tế trong nửa đầu năm cho thấy, tổng cầu vẫn yếu và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 6 tháng đầu năm nói riêng, cả năm 2024 nói chung. Theo thống kê, trong nửa đầu năm, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 5,78%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao, buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Tổng cầu yếu dẫn đến nhiều hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm
Bàn về câu chuyện này, PGS, TS Vũ Sỹ Cường - Giảng viên Học viện Tài chính phân tích, chúng ta chứng kiến tổng cầu tăng nhẹ theo các tháng đầu năm nhưng rủi ro rất cao, tiêu dùng trong nước đến nay vẫn ảm đạm, nhất là khu vực tư nhân. Doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.
Có thể thấy, tổng cầu yếu dẫn đến nhiều hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao...Doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp chính là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng qua ở mức cao, gần xấp xỉ với số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Cần đòn bẩy đủ lực
Theo các chuyên gia kinh tế, phục hồi tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm đang được đặt ra cấp bách. Đây là nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phía Nhà nước cần khẩn trương có những giải pháp kịp thời, đủ lực để củng cố các động lực tăng trưởng từ tổng cầu.
Trên thực tế, trong bối cảnh đầu tư của Chính phủ sẽ tiếp tục giải ngân, từ tháng 7 bắt đầu tăng lương cơ bản...nhiều chuyên gia kỳ vọng có thể tác động tích cực đến tổng cầu. "Tuy nhiên, tôi cho rằng những yếu tố đó chỉ tác động trong ngắn hạn và mức độ không lớn, kèm theo đó động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng. Việt Nam cần phải có chiến lược mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân bởi đây là nhân tố quan trọng và bền vững để thúc đẩy tổng cầu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng", ông Cường nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.
"Cùng với thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn FDI, Chính phủ và các địa phương cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước có hạn chế rất lớn về nguồn vốn; kỹ năng quản trị, hội nhập; năng lực và kinh nghiệm quản lý; nguồn nhân lực có kiến thức và tay nghề. Chính phủ cần kích hoạt lại, khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn", ông Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, "chúng ta cần tiếp tục tạo động lực từ phát triển kinh tế đêm ở một số đô thị lớn của Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển du lịch thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch…", bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!