Cần đưa giá bất động sản về mức phù hợp với thị trường

Thùy An-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 12:30 GMT+7

VTV.vn - Theo đại diện Vietcombank, doanh nghiêp bất động sản cần tái cấu trúc, cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp.

Sáng 17/2, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng, giá nhà đất tại Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thu nhập của phần đông người dân, chưa phù hợp với phần đông người mua cuối cùng để ở.

Ngoài ra, việc lựa chọn phân khúc để đầu tư chưa hợp lý dẫn đến dư cung tại các phân khúc cao cấp nhưng thiếu đối với phân khúc bình dân. Ngoài ra, tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng bất động sản... ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Cần đưa giá bất động sản về mức phù hợp với thị trường - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng

Trước đó trong phần phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Khảo sát từ DKRA, trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh có khoảng 17.000 căn được đưa ra thị trường thì hơn 70% thuộc phân khúc cao cấp. Trong khi căn hộ có giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường.

Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2022 căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là rất ít.

Trong khi đó tại phân khúc cao cấp (mức giá trên 50 triệu), tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án mới được chào bán, quảng cáo với mức giá cao, có dự án lên tới hơn 200 triệu đồng/m2: Dự án Masteri West Heights thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, TP Hà Nội) có giá bán từ 70-80 triệu đồng/m2; Dự án căn hộ chung cư Celadon City (Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) có giá khoảng 80 triệu đồng/m²; Dự án Empire City Thủ Thiêm (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) có giá khoảng 105-221 triệu đồng/m².

Một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030

Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết hiện đang có nhiều khó khăn cho phân khúc này.

Theo ông Sinh, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm.

Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

"Về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... Trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Cần đưa giá bất động sản về mức phù hợp với thị trường - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội

Đại diện Bộ Xây dựng cho để thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" Bộ đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Cũng liên quan đến chỉ tiêu có một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước