Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của nông sản hàng hóa. 11 tháng qua, dù tác động của COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng thương mại 2 chiều vẫn tăng gần 30% so với năm ngoái. Vì vậy, để đảm bảo thông thương ổn định đòi hỏi những giải pháp dài hơi hơn.
Tỉnh Lạng Sơn có 12 cửa khẩu nhưng với mặt hàng hoa quả hiện Trung Quốc chỉ định cho phép giao dịch ở 3 cửa khẩu. 11 tháng qua, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Bởi vậy, để đảm bảo hàng hóa thông suốt, các ngành chức năng đã phải tăng cường các chốt kiểm soát dịch 24/24.
Xe tập kết chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. (Ảnh: TTXVN)
Ngay lúc này, trong khi Việt Nam thực hiện chính sách linh hoạt với dịch bệnh thì phía Trung Quốc vẫn thực thi chính sách zero COVID-19. Chỉ cần một ca nhiễm theo tài xế xuất hàng cửa khẩu đó sẽ bị đóng lại mọi hoạt động giao thương. Để hạn chế những rủi ro trên, Bộ NN-PTNT đang cùng các địa phương tìm giải pháp dài hạn hơn.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản; đặc biệt phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.
Bộ NN-PTNT khuyến nghị các địa phương bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cần có thông báo chính xác lượng hàng hóa để có thể chủ động bố trí hạ tầng, kiểm dịch, hạn chế thấp nhất việc tăng chi phí và thời gian chờ thông quan ở cửa khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!