Cần giải pháp đột phá cho đền bù giải phóng mặt bằng

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/04/2024 16:17 GMT+7

VTV.vn - Khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông kéo dài trong nhiều năm.

Khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, với cách làm mới, đột phá, dự án Vành đai 3 đi qua khu vực TP. Hồ Chí Minh đang cho thấy nhiều điểm sáng tích cực, khi đến nay chỉ sau gần một năm khởi công, dự án đã gần như hoàn thành 99% khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công nằm ở việc "an sinh" cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án Vành đai 3 qua TP. Thủ Đức dài 14,5 km. Có 585 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng số tiền giải ngân cho khâu đền bù là hơn 4.200 tỷ đồng. Đến nay, chỉ còn 44 hộ là kết thúc khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh 239 nền đất, TP. Thủ Đức cũng đã chuẩn bị 158 căn hộ chung cư để phục vụ cho công tác đền bù, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3. So với các quận huyện khác, dự án Vành đai 3 đi ngang qua TP. Thủ Đức là nơi có hồ sơ đền bù nhiều nhất, tuy nhiên, với sự chuẩn bị như hiện nay, dự kiến vào đầu tháng 5, TP. Thủ Đức sẽ hoàn thiện 100% công tác đền bù.

Tại khu vực TP. Thủ Đức, giá đền bù cao nhất là đất ở lên đến hơn 70 triệu đồng/m2, tuy nhiên, giá đất nông nghiệp chỉ hơn 7 triệu đồng/m2. Theo ban bồi thường thành phố, một số ít hộ còn lại chủ yếu là do chưa đồng thuận về giá đền bù đất nông nghiệp.

Ông Võ Trí Dũng - Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, TP. Thủ Đức cho biết: "Giá đất này trước đây đã trình Sở Tài nguyên Môi trường đã thẩm định và đã trình TP. Hồ Chí Minh để ra được giá này. Ban chỉ đạo của TP. Hồ Chí Minh họp đến 9-10h tối để tháo gỡ những trường hợp khó khăn để có một chính sách hài hòa giữa Nhà nước và người dân".

Với dự án Vành đai 3, có hai yếu tố giúp đẩy nhanh khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Thứ nhất, về trình tự thủ tục, thành phố đã tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, giúp rút ngắn thời gian từ 6 tháng đến một năm so với trước. Thứ hai là đảm bảo vấn đề an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Cần giải pháp đột phá cho đền bù giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông kéo dài trong nhiều năm

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Chúng ta lắng nghe, thậm chí tổ chức những điều tra xã hội học trước trong và sau tái định cư để chúng ta ghi nhận toàn bộ những nguyện vọng, nhu cầu về hỗ trợ chuyển đổi việc làm, các hỗ trợ cụ thể, cố gắng đảm bảo tái định cư tại chỗ cho người dân".

Đây cũng là cách làm mà TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng nhân rộng cho các dự án trọng điểm khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, với khối lượng các dự án lớn như vậy, đặc biệt trong khâu xác định giá đền bù, theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh cần có những cơ sở pháp lý cụ thể để có thể thuận lợi hơn trong việc áp dụng những cách làm đột phá, bởi Nghị quyết 98 hiện nay chỉ mới đưa ra những định hướng chiến lược.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch - kiến trúc đưa ra ý kiến: "Muốn đền bù cho người dân với giá tiệm cận thị trường có nghĩa là cao hơn đơn giá đang được phê duyệt, vậy thì dựa trên cơ sở pháp lý nào? Chúng ta chưa có cơ sở này, và điều này nó sẽ gây khó cho các sở ngành trong việc quyết định".

Với các dự án lớn sắp tới, hiện TP. Hồ Chí Minh đã giao cho chủ đầu tư và địa phương dần triển khai các khâu kiểm đếm, thống kê. Sở xây dựng lên kế hoạch đảm bảo nguồn căn hộ tái định cư, các địa phương rà soát quỹ đất, đảm bảo việc tái định cư tại chỗ cho người dân, đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước