Số liệu mới nhất từ Savills Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP Hồ Chí Minh trong năm ngoái chỉ đạt 69%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường sụt giảm là mất cân đối các phân khúc khi nguồn cung đang nghiêng về căn hộ cao cấp và hạng sang. Giới chuyên gia nhận định, động lực khơi thông thanh khoản trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ đến từ việc định vị nguồn cầu, hướng đến nhà ở hợp túi tiền.
Tại một trong 4 dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền được Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành triển khai tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi toà 600 căn đã bán hết trong vòng 1 tuần cho thấy nhu cầu nhà ở là rất lớn.
"Người dân rất thích mô hình nhà ở bình dân, nó có thể cao hơn nhà ở xã hội một chút nhưng do sự thông thoáng và thoải mái trong quá trình mua bán nên người dân rất thích. Nhu cầu rất nhiều, đặc biệt là các bạn ở tỉnh lên đây lập nghiệp và làm việc", ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết.
Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong quý IV/2022 tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 17% so với mức thông thường là 80% như trước đây. Tuy nhiên, điểm tích cực về mức hấp thụ trong 3 phân khúc đến từ hạng C, tức là các căn hộ bình dân, chiếm 51% trong tổng 1.400 căn được giao dịch thành công. Bên cạnh yếu tố pháp lý, tiến độ xây dựng thì giá bán ổn định là yếu tố khiến căn hộ bình dân dẫn dắt thị trường.
"Về giá trung bình thì hạng C ở mức 55 triệu đồng/m2. Mức này tương đối ổn định so với quý trước. Gần như các dự án đang giữ giá, thậm chí một số dự án còn có chương trình bán hàng, tiếp thị giảm đối với khách hàng trả nhanh… Điều này đã thúc đẩy phân khúc hạng C có tình hình hoạt động tốt", bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết.
Dù vậy, phân khúc hạng C lại chiếm rất ít trong tổng nguồn cung căn hộ những năm gần đây. Khảo sát từ DKRA, trong năm qua, TP Hồ Chí Minh có khoảng 17.000 căn được đưa ra thị trường thì hơn 70% thuộc phân khúc cao cấp. Trong khi căn hộ có giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường.
"Chúng ta thấy rằng việc tháo gỡ pháp lý nó diễn ra vẫn còn chậm chạp trong thời gian qua. Nó kéo dài dòng đời triển khai dự án làm cho chi phí vốn tăng cao. Trong khi chi phí vốn, chi phí nhân công cũng tăng đặc biệt là chi phí vốn tức lãi suất tăng cao cũng gây áp lực lên chi phí vốn dự án, rất khó phát triển dự án căn hộ vừa túi tiền", ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam.
Các công ty nghiên cứu bất động sản cũng dự án dự báo nguồn cầu ở thực sẽ tăng mạnh, do đó những sản phẩm đáp ứng tốt cũng cũng sẽ đẩy mạnh được thanh khoản. Thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng nguồn cung căn hộ bình dân, nhà ở xã hội, điểm rơi có thể kéo dài sang các năm tiếp theo. Đồng thời, các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh cũng trở thành điểm đến cho các dự án căn hộ giá rẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!