"Đánh giá rất cao" là cụm từ mà Ủy ban châu Âu dành cho những cố gắng, nỗ lực thời gian qua của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU (gỡ thẻ vàng thủy sản). Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nêu ra một số tồn tại mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được, trong đó có cả việc quản lý, vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá.
Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp trực tuyến với Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ "thẻ vàng" IUU. Tại cuộc họp, EC khẳng định, Việt Nam rất nỗ lực, đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo rất cụ thể từ Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Đây là tín hiệu đáng mừng trong quá trình gỡ khó cho ngành thủy sản, nhưng phía EC tiếp tục đưa ra một số tồn tại mà chúng ta vẫn chưa làm được - có thể làm ảnh hưởng đến lộ trình gỡ thẻ vàng của thủy sản Việt Nam
Việt Nam nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản
Ngày 23/10/2017, cùng với cảnh báo "thẻ vàng" thuỷ sản, EC đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện.
Sau 4 năm, số lượng tàu khai thác của nước ta đã giảm từ 128 nghìn xuống còn hơn 94 nghìn tàu. Cùng với đó là đẩy mạnh nuôi biển. Số tàu trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nay đạt trên 90,8%
Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Số tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực cũng đã giảm đáng kể qua từng năm.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường với số vụ xử phạt là 2.700 vụ, tổng số tiền gần 66 tỷ đồng.
Sau 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Tuy nhiên, dù khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng, EC vẫn còn tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Hiệu quả từ mô hình cộng đồng giám sát IUU
Trong suốt 4 năm qua, Việt Nam bằng nhiều nỗ lực với các hình thức khác nhau để sớm gỡ thẻ vàng thủy sản. Nhiều mô hình hay đã ra đời nhằm tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân đánh bắt đúng vùng biển của ta. Tại Bình Thuận mô hình "cộng đồng giám sát IUU" do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) phối hợp với Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận triển khai tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong quá trình vươn khơi khai thác hải sản, nhiều ngư dân này tình nguyện nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc chấp hành Luật thủy sản, các quy định về chống đánh bắt IUU. Khi phát hiện vi phạm, ngư dân sẽ thông báo và phối hợp với lực lương chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Lúc mới thành lập, Đội giám sát IUU cộng đồng tại xã Tân Thuận có 49 người tham gia. Tất cả đều là những ngư dân địa phương. Đội hoạt động theo nội quy tự quản riêng; nguồn quỹ hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp của các thành viên. Qua hơn 1 năm hoạt động, hiện nay Đội giám sát IUU cộng đồng này, đã thu hút sự tham gia của gần 180 thành viên.
Anh Lê Xuân Huỳnh, Đội trưởng Đội Cộng đồng giám sát IUU, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cho biết: "Trước đây tình trạng tàu cá hành nghề giã cào bay, cào nhám, đánh thuốc nổ diễn ra thường xuyên… Sau khi mô hình triển khai, các vấn đề trên đã giảm".
Hiệu quả bước đầu của mô hình này không chỉ giúp cộng đồng nâng cao trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần quan trọng vào việc chống khai thác IUU, giúp ngành thủy sản Việt Nam sớm đạt mục tiêu gỡ được "thẻ vàng" của EC vào năm 2022-2023.
"Còn một tàu đánh bắt trái phép, sẽ không rút 'thẻ vàng' - Đó là khẳng định của phía EC trong các cuộc làm việc với Việt Nam. Dự kiến quý 1 năm sau phía EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại các địa phương. Đây là giai đoạn mang tính chất quyết định cho việc có hay không chúng ta hoàn thành mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong năm sau và muộn nhất là năm 2023.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 1/11 với khách mời là ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!