Căng thẳng trên Biển Đỏ đe dọa thương mại toàn cầu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 23/12/2023 12:51 GMT+7

VTV.vn - Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thuyền trên Biển Đỏ đang làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn.

Suốt một tháng qua, hơn 100 vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái đã được Phong trào Houthi ở Yemen thực hiện vào các tàu thuyền trên Biển Đỏ. Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu.

Mỹ đã phát động chiến dịch an ninh đa quốc gia tuần tra tại vùng biển này. Hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã tạm dừng lịch trình qua Biển Đỏ. Thị trường dầu theo sát căng thẳng.

Biển Đỏ - tuyến vận tải biển quan trọng

Phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ không dừng các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ bất chấp việc Mỹ thông báo lập liên minh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh cho tuyến giao thông huyết mạch này.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này.

Các cuộc tấn công tại Biển Đỏ làm tăng chi phí vận tải

Hiện một loạt hãng vận tải đường biển lớn trên thế giới như Hapag Lloyd, MSC và Maersk... đã đồng loạt tạm dừng việc khai thác tuyến vận tải này. Sự gián đoạn được dự báo có thể khiến chi phí vận chuyển đường biển gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Căng thẳng trên Biển Đỏ đe dọa thương mại toàn cầu - Ảnh 1.

Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải) bị lực lượng Houthi bắt giữ ngày 17/12, về tới cảng tỉnh Hodeida, ngoài khơi Biển Đỏ. (Ảnh: AFP)

CNBC trích dẫn mới nhất cho thấy, tính đến ngày 21/12, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Anh đã tăng vọt chỉ trong vài giờ, lên 10.000 USD, tức cao gấp 4 lần so với tuần trước. Chi phí vận tải bằng đường hàng không cũng tăng 13% trong tuần này, trong khi chi phí chở hàng bằng xe tải tại Trung Đông tăng gấp đôi.

Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường đi qua Biển Đỏ.

Thị trường dầu theo dõi sát căng thẳng tại Biển Đỏ

Đó là những ảnh hưởng ban đầu với giá cước vận tải. Thị trường dầu cũng đang theo dõi sát các diễn biến tại khu vực. Bởi mỗi năm có hơn 17.000 tàu chở dầu và khoảng 12% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua vùng biển này. Nỗi lo nguồn cung đang đẩy giá dầu tăng những ngày cuối năm 2023, dự báo sang cả quý I năm sau.

Các tác động trước mắt là giá dầu tăng hơn 1% trong các phiên giao dịch tuần qua. Dầu Brent lên trên 79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 giao dịch hơn 73 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu vận chuyển qua biển Đỏ chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Trong thông báo mới nhất, các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này.

"Sau khi phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt với dầu thô Nga, vai trò của khu vực Biển Đỏ trở nên quan trọng hơn. Khoảng 74% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đến châu Á là đi về phía Nam Suez thay vì 30% như năm 2021. Trong khi đó, châu Âu cũng đang tăng cường nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Việc nhiều tàu chở dầu phải đổi hướng vòng qua châu Phi, thay vì tạm thời dừng di chuyển qua khu vực Biển Đỏ đã khiến thời gian giao hàng kéo dài thêm khoảng 18 ngày. Do vậy tôi cho rằng, nguồn cung đến các nhà máy lọc dầu cũng sẽ hạn chế hơn và nguồn cung dầu tạm thời sẽ bị thắt chặt hơn trong ngắn hạn", ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cho hay.

Goldman Sachs cho biết với giả thuyết toàn bộ các tàu chở tổng cộng 7 triệu thùng dầu/ngày đi qua tuyến đường biển này chuyển hướng sẽ khiến giá dầu thô giao ngay tăng thêm 3 - 4 USD mỗi thùng so với giá kỳ hạn.

"Xu hướng giá dầu trong thời gian tới có thể sẽ có những biến động khó đoán. Căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ cùng với việc OPEC+ cắt giảm sản lượng tự nguyện có thể hỗ trợ cho giá dầu vào đầu năm sau. Dầu WTI nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ và đạt mức trung bình khoảng 78 - 82 USD/thùng trong quý I năm sau", ông Dương Đức Quang nhận định.

Nguy cơ gián đoạn thương mại quốc tế trên Biển Đỏ

Trên thực tế, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi các tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn phải điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển. Sự gián đoạn của một trong những tuyến vận tải huyết mạch Đông - Tây của thế giới càng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng, thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy, đã có ít nhất hơn 100 tàu container đã quyết định thay đổi lộ trình di chuyển, đi vòng xuống cực Nam châu Phi thay vì qua Biển Đỏ. Từ đây họ sẽ phải qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải sau đó tới các cảng của châu Âu.

Điều này có thể khiến quãng đường vận tải kéo dài thêm 6.000 hải lý và thời gian giao hàng kéo dài 3 - 4 tuần, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

"Giá cước vận chuyển container đã tăng lên. Chúng đã tăng lên mức cao nhất vào năm 2023. Dù mức giá này là thấp so với khủng hoảng chuỗi cung ứng thời COVID nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm 2023", ông Jan Hoffmann, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đánh giá.

"Tôi nghĩ về tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến lạm phát mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Liên quan đến những gì đang xảy ra với sự chậm trễ ở Biển Đỏ, thật không may những điều đó dường như cũng đang leo thang", ông Marco Forgione, Tổng Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế, cho biết.

Tuy nhiên theo giới phân tích, mức độ tác động cũng sẽ tùy thuộc vào việc cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.

"Mùa mua sắm cuối năm nay sẽ vẫn an toàn, bởi hàng hóa phục vụ lễ Giáng sinh và năm mới hiện đã đến các cảng ở châu Âu, và không còn bị tác động bởi gián đoạn ở Biển Đỏ. Dù vậy ngay sau dịp lễ, các nút thắt cổ chai sẽ xuất hiện trở lại và gây khó khăn cho các cửa hàng cũng như người tiêu dùng", ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng ING tại Đức, nhìn nhận.

Cũng theo ông Carsten Brzeski, nếu khủng hoảng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy điều gì, ngoại trừ giá năng lượng tăng cao. Nó sẽ chỉ là tạm thời. "Nếu kéo dài lâu hơn, chúng ta sẽ thấy lạm phát tăng trở lại, không ở mức độ như chúng ta đã thấy vào năm 2021 nhưng rõ ràng, khi đó chúng ta sẽ có một câu chuyện hoàn toàn mới, không phải là lạm phát đang trên đà giảm mà là lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng đầu tiên của năm 2024", ông Carsten Brzeski nhận định.

Căng thẳng tại biển Đỏ cản trở hoạt động thương mại Căng thẳng tại biển Đỏ cản trở hoạt động thương mại

VTV.vn - Hiện nhiều doanh nghiệp lớn hiện đang theo dõi sát tình hình tại biển Đỏ với tâm trạng lo âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước