Sử dụng thẻ ngân hàng, bao gồm cả thẻ tín dụng tiêu trước, trả sau để kết nối thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ hiện đã trở thành một hành vi tiêu dùng thông dụng với người dùng Việt Nam.
Vì đã trở nên quen thuộc nên đã bắt đầu nảy sinh sự tùy tiện, thậm chí là vi phạm pháp luật trong hoạt động của ngân hàng như việc giao dịch sau lưng, giao dịch trái phép trên tài khoản của khách hàng, dùng cuộc điện thoại, tin nhắn yêu cầu khách hàng xác nhận các thông tin giao dịch… Sự tùy tiện và coi thường khách hàng này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, mà người thiệt hại đương nhiên là người tiêu dùng Việt.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, một nạn nhân đã bị lén trừ tiền trên tài khoản thẻ tín dụng vào ngày 8/4/2024 mà không có bất kỳ email, tin nhắn thông báo nào, thậm chí cú pháp trừ tiền cũng không có nội dung như các lần thẻ trừ tiền thanh toán.
Hôm sau, khi nạn nhân vào ứng dụng ngân hàng mới tá hỏa khi phát hiện bị trừ 25 triệu đồng không rõ lý do. Gọi đến tổng đài đề nghị kiểm tra giao dịch, người này lập tức bị khóa thẻ trong khi khách hàng khẳng định không cho phép khóa vì bất kỳ lý do nào.
Ngày 11/4, ngân hàng gửi tin nhắn và email nói rằng "không thể liên hệ" được với khách hàng trong khi tổng đài viên vẫn gọi các cuộc điện thoại được ghi âm cẩn thận để xin lỗi khách và xin phép được "Mở lại tài khoản" mà ngân hàng đã tự ý khóa trước đó.
Ngân hàng giải thích rằng, do trước đây, khách hàng từng ký hợp đồng cho khấu trừ tự động. Tuy nhiên, tài khoản trên hợp đồng đó là một tài khoản khác, đã hết hiệu lực từ lâu. Không biết bằng cách nào mà ngân hàng Citibank, giờ là UOB, gán ngay một số tài khoản không liên quan vào đó để trừ tiền của khách.
Ngày 12/4, ngân hàng gửi email gọi là "Đơn đăng ký dịch vụ thanh toán bảo hiểm tự động" yêu cầu khách hàng ký nhằm hợp pháp hóa toàn bộ hành vi "tiền trảm hậu tấu", giao dịch trái phép trên tài khoản của khách trước đó.
Hành vi sai chồng sai của ngân hàng quốc tế này theo luật sư là có yếu tố lừa đảo. Cũng theo các luật sư, lợi dụng đặc thù "mở" của loại hình thẻ tín dụng, ngày càng có nhiều vụ việc gây thiệt hại cho người dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, quy mô thậm chí đã tới mức nghiêm trọng, làm nảy sinh các vụ tranh chấp, kiện cáo quy mô lớn như những vụ việc ở Eximbank, Vietcombank… vừa mới xảy ra.
Trong khi các ngân hàng, các tổ chức tài chính cần phải ứng xử chặt chẽ hơn để hạn chế những rủi ro này thì lại đang xuất hiện ngày càng nhiều hành vi dễ dãi, tùy tiện, thậm chí vi phạm các quy định pháp luật trong vận hành nghiệp vụ ngân hàng.
Theo giới chuyên môn, chưa bao giờ hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam đứng trước thách thức lớn về bảo mật, về cạnh tranhgiữ chân người dùng như hiện nay. Nhu cầu người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam theo một khảo sát của Công ty Mibrand gần đây cho thấy vẫn là 35%. Nhu cầu lớn, cạnh tranh cao, càng khiến việc nâng cấp trải nghiệm cho người dùng, bảo vệ khách hàng trước các hành vi trục lợi, lừa đảo, mất tiền, mới có thể giữ cho một tổ chức tài chính tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, Citibank - ngân hàng Mỹ đầu tiên vào Việt Nam - đã phải bán lại mảng khách hàng cá nhân cho UOB. Tuy nhiên, hiện ngân hàng này vẫn còn vướng vào các lùm xùm trừ tiền tài khoản trái phép kiểu trên. Một trong những lời khuyên đối với người dùng là trước khi Nhà nước có những quy định chặt chẽ hơn, hãy luôn kiểm tra tài khoản và các ứng dụng ngân hàng mà bạn đang sử dụng để tự bảo vệ, kiểm soát tình trạng tài chính, tín dụng của chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!