Theo các nhà vườn, hiện tại giá tất cả giống cây ăn trái đều tăng khoảng 50%. Tuy nhiên, do đã nửa cuối mùa vụ nên các nhà vườn không còn nhiều cây giống để cung ứng cho thị trường.
Tỉnh Bến Tre có khoảng 8.000 hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 20 triệu sản phẩm cây giống.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre có nhiều nguyên nhân dẫn đến giống cây ăn trái tăng giá. Tuy nhiên, hiện tượng này không kéo dài lâu do mùa vụ sắp kết thúc.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt sản xuất cây giống có thể dẫn đến sản lượng dư thừa. Việc cần làm hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu giống cây trồng Cái Mơn, tỉnh Bến Tre.
Đảm bảo chất lượng cây giống cung ứng cho thị trường
Cơ sở Cây giống Thiện Tâm, Chợ Lách, Bến Tre mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 sản phẩm, chủ lực là giống sầu riêng. Khoảng 1 tháng nay giá cây giống tăng cao. Thế nhưng đơn vị vẫn không dám tăng quy mô mà vẫn duy trì sản xuất đảm bảo theo hợp đồng đã ký.
"Tuy nhiên mình cũng không dám chạy theo số lượng, vẫn sản xuất bình thường. Tại vì mạo hiểm lắm, nhiều khi nó lên rồi nó xuống là lỗ liền. Với lại bây giờ giá cây gốc nó đắt lắm, giảm là lỗ liền", anh Nguyễn Văn Thoàng - Cơ sở Cây giống Thiện Tâm, Chợ Lách, Bến Tre chia sẻ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, nguyên nhân giống cây ăn trái sốt giá là do một số loại trái cây như sầu riêng, mít đang có giá khá tốt; các vùng sản xuất lớn như ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên mở rộng quy mô canh tác; sản lượng cây giống năm nay giảm hơn cùng kỳ các năm do chịu tác động nặng của đợt hạn mặn vừa qua. Tuy nhiên, hiện tượng sốt giá giống cây ăn trái chỉ mang tính nhất thời.
Ông Trần Hữu Nghị - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre cho biết: "Khả năng đỉnh điểm cây giống sẽ xuống. Mùa vụ trồng của người dân qua thì thị trường giảm. Trong thời gian tới cũng khuyến cáo bà con chúng ta cũng cân nhắc vùng trồng, thời tiết để đảm bảo sản xuất".
Một số giống cây trồng hút hàng giá tăng gấp đôi so với đầu vụ.
Mùa vụ cây giống chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc. Việc mở rộng quy mô sản xuất thời điểm này rủi ro sẽ rất lớn. Bởi nếu tồn đọng, năm sau sẽ trở thành cây lỡ, rất khó bán ra thị trường.
Ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Bến Tre cho biết: "Dự báo dư địa cây trồng ở các vùng tiêu thụ cây giống lớn như ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên. Nắm được nhu cầu để khuyến cáo người dân sản xuất đúng nhu cầu, vấn đề phải nâng cao chất lượng, đảm bảo thương hiệu và uy tín".
Uy tín và chất lượng đã tạo nên thương hiệu cho nghề sản xuất cây giống Cái Mơn, tỉnh Bến Tre. Phát huy lợi thế sẵn có, tiếp tục nâng cao chất lượng sẽ góp phần giúp làng nghề phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, sinh kế cho nhà vườn.
Triển khai đề án trung tâm giống cây trồng, hoa kiềng quốc gia
Hiện tại tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng mang tầm Quốc gia. Nhiều giải pháp đã được triển khai. Mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng cây giống, hướng đến nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân sản xuất cây giống.
Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng mang tầm Quốc gia được tỉnh Bến Tre triển khai từ năm 2022. Mục tiêu nhằm hỗ trợ hơn 40% trong tổng số 34.000 hộ sản xuất cây giống và hoa kiểng phát triển bền vững. Tạo ra các giống cây trồng, hoa kiểng mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
"Làm sao nâng được chất lượng cây giống sản xuất ra và đảm bảo cung cấp ra thị trường đúng luật cây trồng. Thứ hai đảm bảo chất lượng cho người trồng từ lúc trồng đến thu hoạch sản phẩm", ông Phạm Anh Linh - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Bến Tre chia sẻ.
Trung tâm giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre giữ vai trò quan trọng trong triển khai đề án. Ngoài việc nghiên cứu tạo ra các giống cây mới chất lượng cao cung ứng cho các cơ sở sản xuất, trung tâm còn đảm nhiệm vai trò sưu tầm, bảo tồn cây đầu dòng.
Hiện tại tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng mang tầm Quốc gia.
Hiện tại đơn vị đã tham mưu cấp xác nhận 157 cây và 900 vườn cây đầu dòng. Số lượng này đảm bảo cung ứng 40 triệu mắt ghép mỗi năm cho các cơ sở sản xuất giống. Việc quản lý chất lượng cây đầu dòng được giám sát chặt chẽ.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết với các viện, trường trong cả nước nghiên cứu, chọn tạo các cây giống chủ lực. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô đến 500ha, hướng đến việc cung ứng 90% giống cây trồng cả nước.
Sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ của tỉnh Bến Tre trên nhiều lĩnh vực kỳ vọng sẽ tạo nên được đột phá cho nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng địa phương. Với chiến những lược cụ thể, khoa học thì mục tiêu ngành sản xuất cây giống, hoa kiểng mang về doanh thu 900 tỷ đồng vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!