Dây chuyền sản xuất chanh leo tại một công ty ở Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)
Chanh leo có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây, gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Để được xuất khẩu sang Trung Quốc, chanh leo của Việt Nam cần đảm bảo nhiều yêu cầu từ nước bạn như: kiểm dịch thực vật, giám sát sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19.
Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, góp phần phát triển thương mại giữa hai nước.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha, sản lượng 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên...
Chanh leo ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.
Tiếp theo thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ để mở cửa quả chanh leo sang thị trường Australia và Mỹ.
Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong gần 6 năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin, đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trước chanh leo, Việt Nam đã có 9 loại trái cây cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: vải thiều, thanh long, dưa hấu, mít, nhãn, chuối, xoài, chôm chôm và măng cụt.
Dự kiến, sầu riêng là loại trái cây thứ 11 được xuất khẩu chính ngạch, sau chanh leo. Mới đây, Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục để ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này.
Chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao năm 2021. Trong 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador.
Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!