Mọi số liệu thống kê đều đang cho thấy, sức cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu đang suy giảm. Lãnh đạo 27 nước EU nhóm họp thượng đỉnh bất thường 2 ngày, tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lực cạnh tranh của châu Âu trước các đối thủ Mỹ và Trung Quốc.
Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: "Sự cạnh tranh là một vấn đề cơ bản. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Và câu trả lời, đó là tăng cường thị trường nội địa".
Ông Enrico Letta - Báo cáo viên về Tương lai Thị trường chung châu Âu cho biết: "Châu Âu đang không thể cạnh tranh trên các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và thị trường tài chính. Châu Âu cần gắn kết lại".
"Duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế EU" là chủ đề của hội nghị thượng đỉnh châu Âu bất thường vừa kết thúc. Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu mong muốn đạt được một thoả thuận chung, với mục tiêu bảo vệ nền tảng kinh tế, công nghiệp và công nghệ, thu hẹp khoảng cách về tăng trưởng và đổi mới so với các cường quốc kinh tế thế giới.
EU đang ngày càng mất vị thế so với các đối thủ chính của mình, khi bị Mỹ bỏ xa về năng suất lao động, trong khi Trung Quốc mạnh tay trợ cấp cho các ngành công nghiệp.
300 tỷ euro mỗi năm là lượng vốn tài chính mà các quỹ đầu tư châu Âu chuyển sang Mỹ nhằm tận dụng những ưu đãi từ đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Trong khi, doanh nghiệp châu Âu vẫn chật vật huy động vốn. Dòng vốn luân chuyển theo hướng đó, vừa thêm thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ, lại vừa làm khó doanh nghiệp châu Âu. Nay lãnh đạo châu Âu tìm cách đảo ngược tình hình.
Ông Enrico Letta - Báo cáo viên về Tương lai Thị trường chung châu Âu nhấn mạnh: "Chúng ta không còn nhiều thời gian. Chênh lệch về hiệu quả kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Mỹ ngày càng lớn. Liên minh châu Âu phải củng cố thị trường chung, nhằm xóa bỏ phân mảnh trong 3 mảng thị trường còn chưa được hợp nhất, là thị trường năng lượng, thị trường viễn thông và thị trường tài chính".
Xây dựng được một thị trường tài chính chung liên thông giữa các nước cùng sử dụng đồng tiền chung Euro sẽ tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, đó là nhận định của hội nghị thượng đỉnh. Vẫn đang có 9.000 tỷ euro trong các tài khoản tiết kiệm của người dân châu Âu, và nếu tính cả tài khoản vãng lai cá nhân, thì có tới 33.000 tỷ euro nhàn rỗi còn có thể huy động thành vốn đầu tư tài chính, giúp doanh nghiệp châu Âu giảm lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu: "Các doanh nghiệp châu Âu có thể huy động thêm khoảng 470 tỷ euro mỗi năm từ các thị trường tài chính châu Âu, nếu chúng ta tạo lập được Liên minh Thị trường Vốn. Chúng tôi đã thảo luận về hướng đi này. Thứ nhất là phải tìm cách giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho thị trường vốn, và cho nhà đầu tư. Thứ hai là tăng cường giám sát thị trường vốn. Và thứ ba là cung cấp thông tin minh bạch cho nhà đầu tư, về các vấn đề ví dụ như doanh nghiệp niêm yết nào đó có thể sắp mất khả năng thanh toán".
Từ ý tưởng đến hiện thực còn một chặng đường dài. Thượng đỉnh châu Âu cũng kỳ vọng, liên kết các thị trường tài chính Eurozone không chỉ giúp doanh nghiệp châu Âu tăng sức cạnh tranh, mà còn thêm nguồn lực cho các nước thực hiện mục tiêu khí hậu và môi trường.
Như vậy là hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa kết thúc cũng mới chỉ đi đến những thống nhất chính trị ban đầu trong việc châu Âu phải tiến hành cải tổ để thu hẹp sức cạnh tranh kinh tế. Ý tưởng thị trường vốn ra đời cách đấy tròn 1 thập kỷ nhưng đến giờ vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy.
Sự chia rẽ và phân mảnh kinh tế vẫn là rất lớn. Đơn cử là 27 thị trường châu Âu có tổng cộng hơn 100 công ty viễn thông, trong khi nước Mỹ với diện tích lớn hơn nhiều lại chỉ có 3 công ty. Tình hình tương tự đối với thị trường năng lượng. Uỷ ban châu Âu cho biết sẽ có 9 lĩnh vực được các cấp chuyên viên tiến hành đàm phán để cải cách trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!