Chỉ số chứng khoán FTSE 100 tăng vọt kỷ lục, đồng bảng Anh “phá đáy”

VTV-Thứ tư, ngày 12/10/2016 09:09 GMT+7

Thị trường tài chính Anh đã có ngày giao dịch đầy biến động. Ảnh minh họa: Getty

VTV.vn - Nước Anh vừa trải qua ngày giao dịch đầy biến động khi chỉ số chứng khoán FTSE 100 tăng vọt kỷ lục, còn đồng bảng Anh lại phá đáy mới trong phiên mất điểm thứ 4 liên tiếp.

FTSE 100, chỉ số chứng khoán chính, đã có lúc vọt lên mức điểm 7129,83 vào giữa phiên – con số cao nhất từng tồn tại trong lịch sử của chỉ số này. Trong khi đó, 1 bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,21 USD.

Để hiểu rõ hơn về sự việc này, phóng viên Phương Huyền, Thường trú Đài THVN tại Anh sẽ cung cấp thông tin chi tiết:

Thị trường chứng khoán chạm tới mốc cao nhất trong lịch sử giao dịch, còn đồng bảng Anh vẫn tiếp tục giảm mạnh và chưa có dấu hiệu ngừng giảm. Điều gì đang xảy ra với thị trường tài chính Anh?

PV Phương Huyền: Hơn 100 ngày trước khi vừa có kết quả Brexit, thị trường chấn động, cả Bảng và chứng khoán đều phải dùng từ là "lao dốc". Nhưng diễn biến lúc đó và diễn biến trong 4 ngày giao dịch gần đây, nhìn về bản chất, không hoàn toàn giống nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng diễn biến những ngày gần đây, phản ánh chân thực hơn về một thị trường tài chính Anh bắt đầu ngấm, bắt đầu cảm nhận gió lạnh dài hơi của Brexit.

Thị trường chứng khoán có lúc với tới mốc chưa từng có trong lịch sử, chưa chắc đã phải tin vui. Vì chứng khoán tăng được giải thích bởi 2 lý do chính. Một là do sự chuyển dịch dòng tiền trong ngắn hạn từ kênh này sang kênh kia, nói cụ thể là kênh tiền tệ đi xuống thì nhiều nhà đầu tư đổ tiền sang chứng khoán.

Hai là, đa số doanh nghiệp trong nhóm chỉ số FTSE 100 thuộc nhóm có doanh thu từ nước ngoài. Bảng Anh yếu đi tức là doanh thu của họ quy ngược từ ngoại tệ ra đồng Bảng có lợi hơn. Đáng nói là, chứng khoán đang tăng không phải dựa trên niềm tin dài hạn. Thực tế ngược lại, niềm tin dài hạn vào kinh tế Anh đang lung lay.

Tóm lại, không quá nhiều người lạc quan khi chứng khoán tạo đỉnh mấy ngày vừa rồi. Điều được nói nhiều hơn lúc này vẫn là việc đồng bảng Anh đã mất đến gần 18% giá trị, và liệu còn tiếp tục tạo đáy đến đâu?

Mất 1/5 giá trị chỉ trong hơn 3 tháng, thị trường đang xôn xao về đà mất giá này. Nhưng nếu là một người sống ở Anh bình thường thì đã có thể cảm nhận sự thay đổi này hay chưa, chị Phương Huyền?

PV Phương Huyền: Trừ khi là đi du lịch nước ngoài, bây giờ mới cảm nhận rõ sự thay đổi tỷ giá khi đổi tiền để chi tiêu. Còn nếu vẫn đang ở trong nước Anh, thì có lẽ chưa thấy khác gì mấy.

Nhưng với việc đồng bảng Anh cứ đà giảm chưa biết điểm dừng như hiện nay, thì về lâu dài chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng.

Ví dụ, bảng Anh yếu sẽ làm giá cả hàng hoá nhập khẩu đắt lên. Từ lúc này đã bắt đầu nhen nhóm những lo ngại về nguy cơ lạm phát giá tiêu dùng, theo sau chuyện giá cả hàng hoá nhập khẩu đắt.

Các nhà điều hành chính sách đang muốn tìm mặt tích cực của một đồng tiền yếu để trấn an người dân, như là hàng hoá xuất khẩu của Anh sẽ có lợi thế hơn, hay ngành du lịch Anh thu hút được đông lượt khách hơn.

Nhiều chuyên gia ở London cũng nhận định, dù giảm sâu nhưng chưa thể nói là nước Anh đang phải đối diện với một đợt khủng hoảng tiền tệ, như một số ý kiến lo ngại.

Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước