Sự linh hoạt trong tái cơ cấu quan hệ thương mại và nhu cầu trong nước đã giúp Moscow thành công vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây; đồng thời gia tăng chi tiêu quân sự đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga.
Nga đã "quân sự hóa" mạnh mẽ nền kinh tế kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, với những khoản chi lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng và giảm bớt tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng 5,4% ở quý I/2024 so với mức 4,9% được ghi nhận ở quý IV/2023.
Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 của Không lực Nga (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cho biết, với các chỉ số kinh tế vĩ mô và dự báo doanh thu ngân sách, chi tiêu quốc phòng và an ninh ở mức 8% GDP không phải là điều nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một nguồn tài nguyên lớn cần được sử dụng "cẩn thận và hiệu quả".
Dù giúp bảo đảm tăng trưởng kinh tế, chi tiêu quân sự ngày càng tăng của Nga cũng gây ra một số khó khăn. Theo số liệu của Rosstat, lạm phát đã tăng từ 7,7% lên 7,8% trong tháng 4, mức vượt kỳ vọng của các nhà phân tích và cao gần gấp đôi mục tiêu chính thức là 4% của Nga.
Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng kỷ lục vào năm nay, chiếm gần 39% tổng ngân sách nhà nước. Một trong những ưu tiên của Chính phủ mới theo Tổng thống Putin là hội nhập nền kinh tế của khối quốc phòng và an ninh vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!