Chính sách khai thác rừng của Brazil hứng chịu sự chỉ trích

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 28/08/2019 08:01 GMT+7

Ảnh: Pacific Standard

VTV.vn - Một số thay đổi trong chính sách khai thác rừng trong những năm gần đây đã khiến chính phủ Brazil đang phải hứng chịu sự chỉ trích của người dân.

Trong 5 tháng đầu năm nay, số tiền phạt chặt phá rừng trái phép tại Brazil đã giảm tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất từng ghi nhận. Thậm chí, số vụ phạt còn thấp nhất trong 11 năm qua. Tuy nhiên, con số khả quan liệu có thực sự phản ánh tình trạng phá rừng được cải thiện?

Rất khó để tin rằng khoản tiền phạt giảm đi là do sự suy giảm trong nạn phá rừng bất hợp pháp. Đó là nguyên lời của một cán bộ thuộc Viện môi trường và tài nguyên thiên nhiên Brazil, được trích dẫn trên trang báo Pacific Standard.

Theo ông Manuel Pulgar-Vidal, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF): "Ở Brazil, tốc độ phá rừng tăng 81% so với năm ngoái. Rõ rằng đây là hệ quả của việc nới lỏng chính sách kiểm soát phá rừng hiện nay ở Brazil".

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã ký sắc lệnh trao hợp pháp 13% vùng đất bản địa chủ yếu nằm trong Amazon cho nhóm dân tộc thiểu số chiếm chưa đến 0,5% dân số Brazil. Chính sự mênh mông này đã khiến việc kiểm soát trở nên nan giải hơn.

Theo ông Paulo Brando, nhà môi trường học tại Brazil: "Không có gì ngạc nhiên cả. Những vụ cháy rừng liên tiếp và gia tăng tại rừng Amazon có nguyên nhân đến từ việc chặt phá rừng trên diện rộng. Những khu vực bị cháy có liên quan trực tiếp tới hoạt động khai thác của nông nghiệp, khoáng sản, tài nguyên. Chắc chắn là như vậy, vì những vụ cháy do chặt phá và đốt gỗ cây toả ra nhiệt lượng khác hẳn so với những vụ đốt cỏ nương rẫy. Chúng rất dễ được phát hiện nhờ những hình ảnh từ trên cao, cũng như có khả năng tạo ra những đám khói lên tới thượng tầng đối lưu của khí quyển".

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil Ricardo Salles đã sa thải 21 trong tổng số 27 cán bộ đứng đầu các cơ quan giám sát phá rừng, chỉ trong 1 ngày vào tháng 2 năm nay. Không có lãnh đạo, dẫn tới việc thiếu kế hoạch và biện pháp hạn chế nạn phá rừng bất hợp pháp. Chưa kể, thất thoát nhiều khoản phạt hàng trăm nghìn USD chỉ vì thiếu người có thẩm quyền phạt.

Kể cả khi án phạt đã được ban hành thì việc chờ đợi phê chuẩn từ chính quyền cấp cao cũng trở thành nút thắt giữ lại hơn 37 triệu USD tổng số tiền án phạt treo chưa thu được, theo ước tính của ICMBio.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước