Chính sách thực phẩm thế giới đang bị một tập đoàn định hình?

Vân Ánh (VTV24)-Thứ tư, ngày 06/11/2019 16:32 GMT+7

VTV.vn - Ở Ấn Độ và một số quốc gia khác, một tổ chức được các công ty thực phẩm và đồ uống đang lặng lẽ chống lại các quy định hạn chế thực phẩm có đường và thực phẩm chế biến.

Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã nhượng bộ các công ty thực phẩm hùng mạnh và hoãn quyết định dán nhãn cảnh báo màu đỏ lên thực phẩm không lành mạnh. Nhà chức trách đã lập nên một hội đồng chuyên gia để xem xét hệ thống dán nhãn thực phẩm được đề xuất để chống lại tỷ lệ béo phì tăng vọt. Nhưng người được chọn để đứng đầu ủy ban, một chuyên gia dinh dưỡng kỳ cựu, lại là cựu cố vấn của hãng thực phẩm và đồ uống Nestle. Hơn thế, ông này còn là ủy viên của Viện Khoa học Đời sống Quốc tế (ILSI), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, đã âm thầm xâm nhập vào các cơ quan dinh dưỡng và sức khỏe trên khắp thế giới.

Được một giám đốc điều hành của hãng đồ uống Coca-Cola thành lập bốn thập kỷ trước, Viện ILSI hiện có chi nhánh tại 17 quốc gia, gần như được các hãng nông sản, thực phẩm và dược phẩm lớn tài trợ hoàn toàn. Tổ chức này đã bảo vệ lợi ích của các sản phẩm thuốc lá trong những năm 1980 và 1990 ở Châu Âu và Mỹ, gần đây đã mở rộng hoạt động của mình ở Châu Á và Mỹ Latinh. Viện này hoạt động đặc biệt tích cực ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, các quốc gia trong hàng đông dân nhất thế giới.

Tại Trung Quốc, Viện ILSI tham gia vào cơ quan chịu trách nhiệm chống lại bệnh béo phì. Tại Brazil, đại diện của Viện có mặt trong những Ban về thực phẩm và dinh dưỡng trước đây vốn chỉ có các nhà nghiên cứu đại học. Còn ở Ấn Độ, vai trò lãnh đạo của 1 ủy viên của Viện ILSI trong ủy ban dán nhãn thực phẩm không lành mạnh đã đặt ra câu hỏi về việc liệu cơ quan quản lý này có bị ảnh hưởng?

Cho đến nay, Viện ILSI bác bỏ các cáo buộc rằng họ hoạt động để thúc đẩy lợi ích của các công ty thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ hoạt động mà không bị chú ý, Viện ILSI đang ngày càng bị kiểm soát ở Mỹ và một số nước khác. Các nước này khẳng định rằng ILSI thúc đẩy lợi ích của 400 công ty cung cấp ngân sách cho họ, trong số đó có Coca-Cola, DuPont, PepsiCo, General Mill và Danone.

Chính sách thực phẩm thế giới đang bị một tập đoàn định hình? - Ảnh 1.

Sản phẩm Coca-Cola tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Trong 40 năm kể từ khi thành lập, ILSI đã xây dựng một cách có hệ thống các đồng minh của họ trong các học viện và các chính phủ. Họ tài trợ các hội nghị khắp thế giới, tuyển dụng các nhà khoa học có ảnh hưởng về các vấn đề như an toàn thực phẩm, hóa chất nông nghiệp… Các hội nghị của ILSI phục vụ một mục đích lớn: thu phục các nhà khoa học, bởi những nhân vật này thường tránh tham gia các sự kiện được các doanh nghiệp chẳng hạn như McDonald hay Kellogg tài trợ trực tiếp.

Các nhà khoa học làm việc cho ILSI khẳng định quan hệ chặt chẽ của họ với các doanh nghiệp lớn có thể mang lại sự thay đổi cần thiết về chính sách. Tuy nhiên, bà Rekha Sinha, giám đốc điều hành lâu năm của ILSI tại Ấn Độ, cho hay trong hai thập kỷ ILSI tại Ấn Độ đã tài trợ thúc đẩy việc chính phủ bắt buộc thực phẩm chế biến sẵn phải được tăng cường bằng vitamin và tham mưu cho chính phủ về các sản phẩm dinh dưỡng cho người có HIV và AIDS. Tất cả những điều này đều nhằm tăng khả năng bán hàng cho các doanh nghiệp thực phẩm.

Khi mở rộng trên toàn cầu, ILSI đang thu hút sự chú ý. Trong năm qua, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận việc tổ chức này định hình các chiến dịch giáo dục chống béo phì tại Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh hoạt động thể chất, chứ không phải là thay đổi chế độ ăn uống. Đây chính là một chiến lược được Coca-Cola theo đuổi để bảo vệ lợi nhuận của công ty.

Các tác giả của một nghiên cứu gần đây tại Mỹ đã có được những bức thư điện tử giữa những người của ILSI, các doanh nghiệp và các đồng minh của họ trong giới học thuật kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống lại lập trường ngày càng cứng rắn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đối với việc sử dụng đường nhằm giảm tỷ lệ người béo phì trên toàn cầu. Người sáng lập ILSI viết rằng những hậu quả tiêu cực từ lập trường cứng rắn của WHO sẽ đe dọa hoạt động kinh doanh.

ILSI còn điều hành một cơ sở nghiên cứu và một viện nghiên cứu tập trung vào các vấn đề sức khỏe và môi trường, nhưng phần lớn lại được ngành công nghiệp hóa chất tài trợ. Viện này cũng xuất bản tạp chí học thuật dinh dưỡng Nutrition Reviews và tổ chức nhiều hội thảo khoa học trên khắp thế giới.

Phần lớn công việc của ILSI trong những năm gần đây đã tập trung vào việc thúc đẩy các mối quan hệ ở các nước đang phát triển. Đây là những nơi mà cơ sở hạ tầng y tế còn chưa chắc chắn, người dân cư ít biết về các mối nguy hiểm sức khỏe. Nếu các tập đoàn thực phẩm và đồ uống có thể tham gia ngay từ đầu, họ có thể định hình các chính sách liên quan đến các sản phẩm không lành mạnh.

Chính sách thực phẩm thế giới đang bị một tập đoàn định hình? - Ảnh 2.

Các sản phẩm Coca-Cola tại một cửa hàng ở Mexico City, thủ đô Mexico. ILSI đã đóng cửa chi nhánh tại Mexico sau khi các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng các diễn giả tại một hội nghị về chất làm ngọt của ILSI đều là những người ủng hộ ngành công nghiệp đồ uống. (Ảnh: Associated Press)

Viện ILSI có một lịch sử lâu dài hoạt động vì lợi ích doanh nghiệp. Một báo cáo của WHO chỉ trích Viện này vì vai trò trong một nghiên cứu khiến người ta nghi ngờ về sự nguy hiểm của việc hút thuốc. WHO đã cấm ILSI tham gia các hoạt động liên quan đến việc thiết lập các tiêu chuẩn cho thực phẩm và nước uống sau khi các nỗ lực bí mật của họ ủng hộ chính sách của các doanh nghiệp công nghiệp bị bại lộ.

Trong một thập kỷ qua, ILSI đã nhận được hơn 2 triệu đô la từ các công ty hóa chất, trong số đó có công ty Monsanto. Vào năm 2016, ILSI đã vấp phải chỉ trích sau khi một ủy ban của Hoa Kỳ đưa ra phán quyết rằng glyphosate, thành phần quan trọng trong thuốc diệt cỏ dại Roundup của Monsanto, có lẽ không gây ung thư. Ủy ban này hóa ra có lãnh đạo là hai quan chức của ILSI.

Ở Ấn Độ, ảnh hưởng của ILSI ngày một mở rộng, trong khi tỷ lệ béo phì, bệnh tim mạch và đặc biệt là bệnh tiểu đường, hiện đã ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng con số đó có thể tăng vọt lên 123 triệu trong thập kỷ tới khi nhiều người sử dụng thực phẩm chế biến có nhiều chất béo, đường và muối.

Chính phủ Ấn Độ đã đáp trả bằng các biện pháp táo bạo, bao gồm đánh thuế 40% đối với nước ngọt có đường. Nhưng những nỗ lực khác, bao gồm lệnh cấm bán đồ ăn vặt trong và xung quanh trường học, đã bị đình lại do các công ty thực phẩm và đồ uống phản đối.

"Sức mạnh của ngành công nghiệp này thậm chí còn lớn hơn cả ngành công nghiệp thuốc lá" - bà Sunita Narain, giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi, cho biết.

Ngay cả khi ảnh hưởng ở các nước đang phát triển ngày càng tăng, ILSI vẫn phải đối mặt với sự phản đối thường xuyên. Một dự án nghiên cứu do ILSI tài trợ về bệnh béo phì ở trẻ em ở Argentina đã bị hủy bỏ ba năm trước, sau khi các bậc cha mẹ có con cái tham gia vào nghiên cứu tìm hiểu ra sự thật về tổ chức này. Và chi nhánh ILSI tại Mexico đã bị đóng cửa sau khi các phương tiện truyền thông cho hay nhiều người trong số các diễn giả tại một hội nghị được ILSI tổ chức hóa ra là những người ủng hộ nổi tiếng cho ngành công nghiệp đồ uống, trong khi vào thời điểm đó chính phủ Mexico đang xem xét sửa đổi thuế mới được ban hành đối với đồ uống có đường. Một thông tin gây tổn hại cho ILSI nữa là người đứng đầu chi nhánh ILSI tại Mexico là Raul Portillo, cựu giám đốc điều hành của hãng Coca-Cola phụ trách các vấn đề pháp lý và khoa học. Tuy nhiên, việc đình chỉ chi nhánh ILSI tại Mexico kéo dài chưa đầy một năm, và hiện tổ chức này đã sẵn sàng hoạt động lại dưới sự điều hành của một giám đốc mới: J. Eduardo Cervantes, cựu giám đốc các vấn đề công cộng của hãng Coca-Cola tại Mexico.

Nguồn: Agence France-Presse, Associated Press, The New York Times

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước