Sau hơn 1 năm ban hành Thông tư 36 để nới lỏng chính sách tín dụng bất động sản, giúp thị trường khôi phục, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất sửa đổi thông tư này do lo ngại nguy cơ bong bóng bất động sản tái diễn. Động thái này đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Năm 2015 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản, với mức tăng trưởng tín dụng cho các dự án địa ốc đạt 26%/năm. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa đồng đều ở tất cả các phân khúc.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường sau 1 năm nới lỏng chính sách cho vay đã khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại nguy cơ bong bóng bất động sản và đề xuất sửa đổi Thông tư 36. Cụ thể, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% với các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giảm từ 200% xuống 80% với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Ngoài ra, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản sẽ tăng từ 150% lên 250%.
“Những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp bất động sản hay các dự án ở những phân khúc đặc biệt, rủi ro cao. Thứ hai là những nhà đầu tư phải đi vay nhiều từ nhà đầu cơ vì ngân hàng sẽ thắt chặt cho vay. Những doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh và có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực sẽ thích ứng tốt với những thay đổi này”. Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý dự án, CBRE Việt Nam cho biết.
Dù ổn định thị trường là mục đích của việc sửa đổi Thông tư 36, nhưng nhiều người lo ngại rằng, siết chặt tín dụng lúc này là quá sớm, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và thành quả của quá trình phục hồi vừa qua. Năm 2015, hơn 50% các giao dịch bất động sản thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi các dự án nhà ở xã hội và giá rẻ lại có xu hướng giảm. Vì vậy, việc sửa đổi Thông tư 36 cần có thời gian phù hợp và áp dụng với tùy từng đối tượng, phân khúc trên thị trường.
Hiện nay, hơn 70% nguồn vốn cho ngành bất động sản đến từ ngân hàng. Do đó, bất cứ thay đổi nào trong chính sách tín dụng cũng đều có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, việc thắt chặt quản lý rủi ro khi cho vay bất động sản là hướng đi đúng nhưng cần được thực hiện với lộ trình hợp lý.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!