Thời gian qua, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của thẻ tín dụng. Đối với nhiều người, hình thức tiêu trước trả sau được xem như là "cứu cánh" trong trường hợp gặp khó về tài chính.
Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, nhiều người dùng trong những tháng gần đây đã gặp khó trong việc thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn, dẫn đến phải chịu phí phạt, lãi suất chậm trả tăng cao.
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của thẻ tín dụng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trước thực tế này, một số ngân hàng đã nhanh chóng triển khai chính sách giảm lãi suất, miễn phí trả chậm hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp đang chi tiêu qua thẻ tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã chủ động giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm từ kỳ sao kê tháng 8/2021. Theo Agribank, đây là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Đồng thời, chủ thẻ nội địa Agribank cũng được giảm 5% phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác trong lãnh thổ Việt Nam, mức phí cụ thể là 2.850 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT) khi thực hiện giao dịch từ nay đến hết ngày 31/12/2021.
Trước đó, từ ngày 17/5/2021 Agribank đã miễn 100% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống Agribank dành cho chủ thẻ khi thực hiện giao dịch tại ATM và trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9/2021, Nam A Bank sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán trễ hạn.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đề xuất này được đưa ra trong Công văn số 305/HHNH-PLNV về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết.
Ông Lê Văn Ron, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, dư nợ được xem xét cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiện chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: thẻ tín dụng, bảo lãnh, bao thanh toán…
"Nhưng thực tế, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng là cần thiết", ông Ron khẳng định.
Song song với đó, nhiều dịch vụ thanh toán cũng được các ngân hàng miễn 100% phí.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang áp dụng miễn, giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đối với các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, trang thiết bị, vật tư y tế... Đồng thời, VietinBank miễn, giảm với một số phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, chi lương, nộp ngân sách nhà nước...
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng BIDV SmartBanking qua kênh trực tuyến; miễn phí trọn đời 10 loại phí khi đăng ký sử dụng gói dịch vụ B-Free, trong đó miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; miễn phí chuyển tiền 24/7 trên ATM; giảm phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ứng dụng công nghệ định danh trực tuyến (eKYC) cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán online. Ngay sau khi mở tài khoản, khách hàng MSB có thể trải nghiệm chuỗi ưu đãi "siêu miễn phí" khi chuyển khoản liên ngân hàng, rút tiền tại ATM, hoàn tiền lên tới 3,6 triệu đồng/năm khi mua sắm trực tuyến hay thanh toán online hóa đơn điện, nước, điện thoại…
Để hỗ trợ hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 sửa đổi Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tiếp tục giảm 50% mức phí thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/9/2021 đến hết 30/6/2022, tạo điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!