Các cổ đông tại tập đoàn Toshiba đã phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama thông qua một cuộc bỏ phiếu được xem là lịch sử của công ty này. Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra tại cuộc họp cổ đông thường niên của Toshiba. Hội đồng quản trị Toshiba sẽ họp để tìm kiếm chủ tịch mới.
Theo Financial Times, một số cổ đông lớn nhất tại Toshiba cho rằng việc phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama được xem là một hệ quả tất yếu cho việc công ty này đã thất bại trong việc nâng cao năng lực quản trị.
Đáng chú ý, Bloomberg cho biết cuộc bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama diễn ra chỉ vài tuần sau khi cuộc điều tra độc lập cáo buộc việc thông đồng với các quan chức để tác động đến việc lựa chọn hội đồng quản trị năm ngoái.
Shin Ushijima, Chủ tịch Mạng lưới quản trị doanh nghiệp Nhật Bản cho biết việc ông Osamu Nagayama bị phế truất được xem là sự kiện gây sốc với văn hóa kinh doanh tại Nhật Bản. Một câu hỏi đặt ra là sự việc tại Toshiba có thể là khởi nguồn cho những trường hợp tương tự ở các công ty của Nhật Bản hay không? Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang là cổ đông lớn tại không ít các công ty Nhật Bản.
"Các công ty nên coi đây như một lời cảnh tỉnh và nhận ra những gì mà các cổ đông có khả năng làm được", Atsushi Osanai, giáo sư tại Đại học Waseda cảnh báo.
Việc Chủ tịch Toshiba Osamu Nagayama bị các cổ đông phết truất được xem là một sự kiện gây sốc với văn hoá kinh doanh tại Nhật Bản
Được thành lập vào năm 1939 dưới sự hợp nhất của Tập đoàn Điện tử Tokyo Denki và Tập đoàn Kỹ thuật Shibaura Seisaku-sho. Toshiba từng được coi là "tượng đài" công nghệ của Nhật Bản khi đã vươn lên trở thành một "ông lớn" toàn cầu trong giai đoạn 1980-1990, đặc biệt là năm 1985 với sự ra đời của mẫu máy tính xách tay T1100.
Toshiba là công ty chế tạo máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu vào năm 2010, xếp sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo. Cùng năm đó, Toshiba cũng trở thành công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (đứng sau Intel, Samsung và Texas Instruments). Toshiba từng đi đầu trong rất nhiều công nghệ mới, như TV 3D không cần kính và TV độ phân giải 4K Ultra HD. Hãng cũng đi tiên phong trong việc chế tạo những chiếc đầu đĩa HD DVD, với loại đĩa DVD dung lượng lớn và có thể lưu trữ được những bộ phim có chất lượng cao.
Tuy vậy, sau một giai đoạn dài thành công, Toshiba bắt đầu đi chệch hướng với hàng loạt sai lầm khiến cho doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm trong những năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!