Chữ "Tín" trong kinh doanh thời hội nhập

PV-Thứ tư, ngày 06/09/2017 09:00 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia trong chương trình Hội nhập phát sóng ngày 30/8 đã có những ý kiến, nhận xét thiết thực về chữ tín trong kinh doanh thời hội nhập.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại với khu vực và thế giới. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp mang về cho đất nước khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, bước vào sân chơi toàn cầu, vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt Nam có lối làm ăn chụp giật, ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận trước mắt, thiếu coi trọng chữ tín, gây tổn hại tới chính doanh nghiệp và rộng hơn là uy tín của hàng Việt Nam cũng như hình ảnh của cả quốc gia trên trường quốc tế. Trong kinh doanh, chữ tín có vai trò quan trọng như thế nào và làm thế nào để doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn thực sự coi trọng chữ tín?

Cùng hai vị khách mời là TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế; ông Nguyễn Dương - Chuyên gia trải nghiệm khách hàng, Nguyên Giám đốc Quốc gia Singtel Việt Nam, chương trình Hội nhập phát sóng ngày 30/8 đã đưa ra những ý kiến, nhận xét rất thiết thực về chữ tín trong kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Minh Hằng, trong môi trường kinh doanh quốc tế, chữ tín quan trọng hơn rất nhiều so với môi trường kinh doanh thông thường. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội, song đồng hành với nó cũng là những thách thức mới được đặt ra. Phát triển kinh doanh trên trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết mới có thể đứng vững và một trong những điều cơ bản để có thể liên kết chính là doanh nghiệp phải có uy tín, có niềm tin của đối tác trong nước cũng như quốc tế. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể tạo được liên kết, tạo nên sức mạnh để cạnh tranh.

Chữ Tín trong kinh doanh thời hội nhập - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Minh Hằng và ông Nguyễn Dương (trái) trong chương trình Hội nhập.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Dương cũng cho rằng, phá sản là "cái chết" của một doanh nghiệp về mặt tài chính, nhưng mất đi chữ tín chính là "cái chết" về mặt xã hội. Ông cũng bổ sung thêm rằng: Thời đại hiện nay chính là thời đại của khách hàng bởi khách hàng có thể tiếp cận tất cả các nhà phân phối trên toàn thế giới mà không có rào cản nào, đồng thời họ cũng có thể đưa ra những nhận xét cả tốt và xấu về doanh nghiệp. Chính điều này đặt ra yêu cầu cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp và đặc biệt uy tín của doanh nghiệp là rất quan trọng.

Tại Việt Nam, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có nhiều vụ việc bội tín và phá vỡ hợp đồng kinh tế nhất. Doanh nghiệp và nông dân đều sẵn sàng phá vỡ hợp đồng khi trước mắt là những nguồn lợi mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ doanh nghiệp hay nông dân bội tín mà quan trọng hơn chính là cam kết của từng mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến - xuất khẩu.

Theo nhiều nhà quản lý, trong kinh doanh, việc đánh đổi chữ tín để lấy lợi nhuận không chỉ là cách làm chụp giật thể hiện tầm nhìn ngắn hạn mà trong nhiều trường hợp việc này còn ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Về chữ tín, chúng ta có thể lấy ví dụ về các doanh nghiệp Nhật Bản bởi họ nổi tiếng bởi uy tín của mình trên trường thế giới. Các doanh nghiệp Nhật Bản không xem tăng trưởng doanh số là chỉ số đo lường chữ tín mà hình ảnh doanh nghiệp mới là điều cốt lõi. Doanh nghiệp bị nhiều khách hàng phàn nàn chính là doanh nghiệp đang mất uy tín.

Chương trình Hội nhập phát sóng vào khung giờ 22h45 - 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước