Chứng khoán châu Á đi lên nhờ hiệu ứng bitcoin

PV-Thứ sáu, ngày 22/11/2024 16:30 GMT+7

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,7%, chủ yếu là nhờ các cổ phiếu công nghệ trong khu vực phục hồi - Ảnh: Kyodo/TTXVN

VTV.vn - Chiều ngày 22/11, hầu hết các cổ phiếu châu Á đều lên giá, theo đà phục hồi của thị trường Phố Wall.

Tại thị trường chứng khoán châu Á sáng nay, diễn biến được các nhà đầu tư quan tâm là tình hình lạm phát của Nhật Bản, yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới lộ trình lãi suất của ngân hàng Trung ương Nhật Bản BoJ.

Lạm phát tại Nhật Bản trong tháng 10 hạ nhiệt, với chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức 2,3%, giảm từ 2,5% của tháng 9. Tuy nhiên, chỉ số CPI không tính giá thực phẩm và năng lượng tăng lên 2,3% so với mức 2,1% của tháng trước. Điều này khiến giới phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất trong tương lai gần. Chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 1%. Tại Hàn Quốc, Kospi tăng hơn 1%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hongkong Trung Quốc tăng 0,01%, trong khi CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm nhẹ. Tại Singapore, GDP quý III tăng 5,4% so với cùng kỳ, vượt xa mức dự báo 4,6%. Chính phủ nước này cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm lên khoảng 3,5%.

Chứng khoán châu Á đi lên nhờ hiệu ứng bitcoin - Ảnh 1.

Diễn biến được các nhà đầu tư quan tâm là tình hình lạm phát của Nhật Bản - Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều ngày 22/11, hầu hết các cổ phiếu châu Á đều lên giá, theo đà phục hồi của thị trường Phố Wall và tác động tích cực từ hiện tượng tiền điện tử Bitcoin ngấp nghé ngưỡng 100.000 USD/BTC.

Trong phiên giao dịch chiều nay, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,7%, chủ yếu là nhờ các cổ phiếu công nghệ trong khu vực phục hồi sau đợt bán tháo ngày 21/11.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 257,68 điểm, tương đương 0,68%, lên ngưỡng 38.283,85 điểm. Điều này xảy ra sau khi số liệu lạm phát tháng 10/2024 được công bố cho thấy mức giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 2,3% và ngày càng tiệm cận với mức lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Số liệu kinh tế sẽ là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp chính sách của BoJ vào tháng 12 tới. Một số nhà đầu tư dự đoán các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản sẽ điều chỉnh lãi suất ngắn hạn tăng từ 0,25% lên 0,5% sau cuộc họp này.

Tại thị trường chứng khoán Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 66,10 điểm, tương đương 0,77%, lên 8.633,10 điểm. Còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 61 điểm, tương đương 0,83%, lên 2.501,24 điểm. Ngoài ra, phần lớn các chỉ số chứng khoán lớn khác của châu Á cũng thể hiện "sắc xanh".

Chỉ duy nhất các thị trường tại Trung Quốc đi ngược với xu hướng này. Trong đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 394,78 điểm, tương đương 2,01%, xuống còn 19.206,33 điểm và chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải bốc hơi 87,83 điểm, tương đương 2,61%, dừng ở ngưỡng 3.282,57 điểm.

Chuyên gia Eugene Hsiao, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại công ty Macquarie Capital, cho biết các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin rõ ràng hơn về hướng đi chính sách thuế quan mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến áp dụng với hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân lý giải cho sự suy giảm tâm lý của các nhà đầu tư tại thị trường lớn nhất châu Á là do nhiều người tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không ban hành thêm các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, cho đến cuộc họp tiếp theo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc diễn ra vào tháng 3/2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước