Chứng khoán châu Á tăng điểm

VTV Digital-Thứ năm, ngày 15/08/2024 16:00 GMT+7

VTV.vn - Dữ liệu GDP quý 2 của Nhật Bản tăng trưởng 3,1%, chỉ số Nikkei 225 trên sàn Tokyo đã tăng 1,12%. Đồng Yen Nhật cũng tăng nhẹ so với Đô la Mỹ, giao dịch quanh mốc 147.

Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch sáng nay, khi các nhà đầu tư đón nhận những thông tin tích cực về GDP của Nhật Bản, cũng như những số liệu về doanh số bán lẻ và công nghiệp của Trung Quốc.

Sau khi dữ liệu GDP quý 2 của Nhật Bản được công bố với mức tăng trưởng ấn tượng 3,1% - vượt dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, chỉ số Nikkei 225 trên sàn Tokyo đã tăng 1,12% - dẫn đầu đà tăng trong khu vực. Đồng Yen Nhật cũng tăng nhẹ so với USD, giao dịch quanh mốc 147. Chỉ số Hang seng của Hongkong, Trung Quốc tăng 0,45%, trong khi CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 1,1%.

Chờ đợi các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Sáng nay, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố 1 loạt dữ liệu kinh tế quan trọng liên quan đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7. Theo đó, sản lượng công nghiệp tăng chậm lại, thấp hơn kỳ vọng ở mức 5,1%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị tháng 7 tiếp tục tăng, lên 5,2%. Doanh thu bán lẻ tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2% của tháng trước.

Nếu đặt trong bối cảnh CPI tháng 7 bất ngờ tăng chủ yếu do các yếu tố mùa vụ như mưa lũ, nắng nóng khiến một số mặt hàng tăng giá, thì doanh số bán lẻ tăng là dễ hiểu. Nếu xét về dài hạn, tiêu dùng vẫn là 1 mắt xích yếu trong nền kinh tế Trung Quốc. Do vậy, giới phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết: "Tôi cho rằng CPI Trung Quốc vẫn sẽ chỉ tăng dưới 1% trong năm nay. Nguyên nhân là do giá thịt lợn ổn định, người dân tăng cường chuyển sang sử dụng xe năng lượng mới ít phụ thuộc vào giá xăng dầu. Nhu cầu tiêu dùng yếu trong bối cảnh thu nhập chưa phục hồi, tài sản giảm do giá bất động sản chưa có dấu hiệu đi lên. Để thúc đẩy chi tiêu, từ đầu năm, Trung Quốc đã cung cấp các khoản hỗ trợ cả tiền mặt và lãi suất để người dân thay thế, mua sắm các thiết bị gia dụng mới như tủ lạnh, điều hoà. Đây là cách vừa giúp giảm tiêu thụ điện năng, vừa giúp thúc đẩy sản xuất nội địa".

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu tháng 7 cũng chậm lại do nhiều rào cản thương mại đến từ Mỹ, EU lên nhóm "3 lĩnh vực công nghiệp mới chủ chốt" là tấm pin mặt trời, pin lithium và xe điện.

Theo dữ liệu vừa được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC công bố, các khoản tín dụng mới trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm. Các chỉ số quan trọng khác cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất tạm thời giảm tốc. Do vậy, các chuyên gia tin rằng, PBOC cần tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Dong Ximiao - Chuyên gia cao cấp, Công ty Liên minh tài chính tiêu dùng, Trung Quốc cho hay: "Sau khi bất ngờ hạ lãi suất ngắn hạn trong tháng 7, rất có thể PBOC sẽ thực hiện thêm các đợt hạ lãi suất cơ bản vào cuối năm nay, đặc biệt là nếu Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 9 tới".

Quý 2 vừa qua, GDP Trung Quốc tăng chậm lại, chỉ đạt 4,7%. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu GDP năm nay đạt 5%, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hay gói kích thích kinh tế mạnh tay hơn nữa từ nay đến cuối năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước