Hình minh họa.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 220,81 điểm, tương đương 0,68%, lên 32.874,01 điểm trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 13,5 điểm (0,35%) lên 3.869,6 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 12,89 điểm (0,12%) lên 10.903,73 điểm.
Trước đó, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm nỗ lực làm chậm đà tăng lạm phát. Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản của FED lên khoảng 3,75% đến 4%. Đây cũng là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của FED và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng Ba.
Khi FED tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Lần tăng lãi suất mới nhất của FED sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái. Việc FED tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Lãi suất cao hơn của FED cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, điều này có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và các cú sốc về nguồn cung - đặc biệt là xung đột ở Ukraine - đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao hơn.
FED đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ một số nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà lập pháp đảng Dân chủ, phải làm chậm lại kế hoạch tăng lãi suất của mình trong bối cảnh các dấu hiệu về suy thoái kinh tế ngày càng tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!