Chứng khoán Mỹ và các kịch bản bầu cử

VTV Digital-Thứ hai, ngày 28/10/2024 13:12 GMT+7

VTV.vn - Trong khi giới đầu tư nhìn chung tỏ ra tích cực với tình hình kinh tế trước thềm bầu cử, người dân Mỹ dường như lại không có được sự lạc quan này.

Chỉ số Nasdaq lập kỷ lục mới

Chuẩn bị cho tuần giao dịch mới, thị trường Mỹ đã đón nhận tin tích cực, đó là chỉ số Nasdaq đã vừa thiết lập mốc cao kỷ lục mới trong phiên ngày thứ 6 tuần qua. Dù các chỉ số chính còn lại đều giảm điểm, Nasdaq vẫn đi lên khoảng 0,5%, đánh dấu mức tăng theo tuần thứ 7 liên tiếp của chỉ số này, nhờ vào tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi chuẩn bị bước vào mùa báo cáo kinh doanh quý III của năm nay của một loạt ông lớn công nghệ.

Trước đó hôm 18/10, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng đã đồng loạt phá kỷ lục. Tính trong cả năm nay, các chỉ số chính tại Mỹ đều đang duy trì sắc xanh và đã liên tục thiết lập các mốc cao kỷ lục mới trong lịch sử, bất chấp đây là một năm nhiều yếu tố gây biến động với thị trường, như các lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào tuần sau.

Cuộc bầu cử Tổng thống chắc chắn đang là một trong những tâm điểm chú ý của Phố Wall, đặc biệt khi đây là một trong những cuộc bầu cử sít sao nhất từ trước đến nay giữa hai ứng cử viên hàng đầu. Vậy giới giao dịch tại Phố Wall đang chờ đợi và chuẩn bị ra sao cho những kịch bản bầu cử?

Chứng khoán Mỹ và các kịch bản bầu cử - Ảnh 1.

Thị trường Mỹ vẫn có thể giữ vững đà tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế đang vững vàng và các điều kiện thuận lợi

Chứng khoán Mỹ và các kịch bản bầu cử

Theo các thống kê truyền thống như chỉ số công nghiệp Dow Jones từ đầu năm tới cuối tháng 10, hay chỉ số S&P 500 trong giai đoạn từ cuối tháng 7 tới cuối tháng 10, những chỉ số này đều giữ đà tăng, được xem là tín hiệu về kết quả tích cực cho chính quyền đương nhiệm, tức là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris đang có nhiều hy vọng.

Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào chiến thắng cho ông Donald Trump, bởi họ cho rằng những kế hoạch của ông, như giảm thuế doanh nghiệp sẽ có lợi cho thị trường. Và do đó, các nhà đầu tư này đang đặt niềm tin vào những lĩnh vực được xem là tích cực với ông Trump hiện nay, như nhóm ngành ngân hàng, các loại tiền kỹ thuật số hay cổ phiếu hãng xe điện Tesla - đang được điều hành bởi đồng minh của ông Trump là tỷ phú Elon Musk.

Dù vậy, đa phần các nhà đầu tư tại Mỹ đều có chung nhận định, đó là thị trường Mỹ vẫn có thể giữ vững đà tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế đang vững vàng và các điều kiện thuận lợi, như Fed tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới.

Ông Peter Tuchman - Giao dịch viên, Sàn chứng khoán New York (NYSE) cho biết: "Thị trường chứng khoán đang rất khoẻ mạnh. Nền kinh tế tiến triển tốt. Anh nhìn thấy tăng trưởng liên tục. Thất nghiệp giảm xuống mức 4%. Hai năm trước, lạm phát còn 8,5%, giờ chỉ còn 2,5%. Đó là thay đổi cực lớn. Anh trả 5 USD cho 1 gallon xăng, giờ còn khoảng 3,5 USD; trứng cũng rẻ hơn nhiều. Về cơ bản, thị trường cho thấy kinh tế Mỹ đang vận hành thế nào. Đúng là vẫn có những người sống chật vật qua ngày, nhưng đang có nhiều việc dư thừa so với nhu cầu tìm việc cơ mà. Chỉ là nhiều người chưa muốn quay lại làm việc".

Chứng khoán Mỹ và các kịch bản bầu cử - Ảnh 2.

Người dân Mỹ có những quan điểm rất khác nhau về nền kinh tế

Cử tri Mỹ nói gì về nền kinh tế trước bầu cử?

Trong khi giới đầu tư nhìn chung tỏ ra tích cực với tình hình kinh tế trước thềm bầu cử, người dân Mỹ dường như lại không có được sự lạc quan này.

Một khảo sát gần đây của hãng CBS News cho thấy, có tới 6/10 người được hỏi đưa ra quan điểm không tích cực về tình hình kinh tế Mỹ hiện nay.

Một nguyên nhân chủ đạo được cho là đến từ chi phí sinh hoạt tăng cao, dù lạm phát đã hạ nhiệt. Theo ước tính, mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ đã tăng hơn 21% so với thời điểm trước dịch Covid -19.

Anh Carmi - Nhân viên giáo dục cho biết: "Nền kinh tế ổn định đấy chứ. Ví dụ tôi mua xăng khoảng 2-3 năm trước giá trên 3 USD/gallon. Nhưng hiện nay đã xuống khoảng 3 USD. Tôi đánh giá kinh tế qua điều đó. Nên tôi nghĩ nó đang ổn".

Anh Chris - Nhân viên Phân tích dữ liệu chia sẻ: "Năm nay, kinh tế không tốt lắm. Tôi biết nhiều người vất vả. Nhiều kỹ sư phải đi lái Uber. Công việc đến rồi đi. Có đợt cắt giảm nhân viên lớn của khối công nghệ 4-5 tháng trước. Nên với nghề của tôi, không được sáng sủa lắm".

Ông Tom - Chủ doanh nghiệp nhỏ nêu ý kiến: "Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt đấy, kinh doanh cũng được. Nhưng người dân phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng. Đó là vấn đề. Tôi không biết ông Trump hay bà Harris sẽ tìm được giải pháp nào cho chuyện này không. Rồi thuế cũng cao. Chi phí cuộc sống đắt đỏ, giá bất động sản, thuê nhà đều cao. Lãi suất thì đã hạ đôi chút, nhưng nhiều người vẫn phải vật lộn".

Có thể nói, nhiều người dân Mỹ cũng có những quan điểm rất khác nhau về nền kinh tế. Và điều này có thể khiến cho cuộc bầu cử Tổng thống năm nay thêm phần khó đoán, bởi nền kinh tế là một trong những tiêu chí quan trọng nhất với nhiều cử tri tại Mỹ hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước