Trong 2 tháng đầu năm, chứng khoán Mỹ đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Cả 3 chỉ số chính trên thị trường đều tăng trên 10% giá trị, riêng chỉ số của khối công nghệ là Nasdaq có 10 tuần tăng trưởng liên tiếp.
Nhật báo Phố Wall trích dẫn biểu đồ tăng trưởng của 3 chỉ số chính từ đầu tháng 2 tới 5/3 cho thấy cả 3 chỉ số chính đã vượt qua rất nhiều đỉnh cao tăng trưởng cho tới phiên giao dịch ngày thứ 2. Tờ này bình, đây là mức giảm điểm tệ nhất trong tháng, do các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và của riêng nước Mỹ; do cuộc đàm phán thương mại chưa có hồi kết và việc FED hãm lại đà tăng lãi suất…
Trang BusinessInsider trích lời bình của ông Kim Forrest - Giám đốc Quỹ Fort Pitt - cho rằng các nhà đầu tư đang giậm chân tại chỗ nên có xu hướng tiêu cực như vậy. Bởi trước đó họ có thể đã kiếm được nhờ vào niềm tin của thị trường rằng sẽ có giải pháp ngay cho vấn đề thương mại.
Với tựa đề: "Đừng kỳ vọng chứng khoán Mỹ tăng trưởng liên tục ở mức hiện tại", trang Market Watch đưa ra biểu đồ ví dụ của chỉ số S&P 500 cho thấy 2 vùng của chứng khoán Mỹ: vùng hỗ trợ và vùng kháng cự. Thời gian qua, chỉ số này đã liên tục vượt vùng kháng cự - nơi nguồn bán ra bắt đầu cao hơn mua vào. Vì vậy, chỉ số này đang dần trở lại vùng hỗ trợ - nơi lực mua tăng trở lại để ngăn cho chỉ số giảm sâu hơn.
Trong khi đó, trang Bloomberg có bài lý giải tại sao không nên quá lo lắng với biến động của thị trường hiện nay, đơn giản vì thị trường chứng khoán Mỹ đã "đủ già dặn". Trang này cho rằng do không có nhiều công ty mới niêm yết nên độ tuổi trung bình của các công ty trên sàn chứng khoán Mỹ đều đã bước sang tuổi 30.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!