Ngày hôm qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Báo Lao động đã phối hợp tổ chức Hội thảo Thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Thống kê trong các lần nâng hạng từ 2010-2020, hầu hết các thị trường đều tăng điểm mạnh mẽ. Như UAE và Pakistan tăng 39% hay Qatar tăng 51% ngay trong năm đầu tiên được nâng hạng hay Ả rập Xê út cũng tăng khoảng 14%.
Không chỉ trong giai đoạn đầu, hiệu ứng của việc nâng hạng cũng mang tính lâu dài. Ví dụ như thị trường Kuwait được nâng hạng vào năm 2020 và sau ba năm, chỉ số chứng khoán tăng 39% và định giá thị trường cũng tăng 26%.
Và một đại diện tiêu biểu cho thành công từ việc nâng hạng thị trường tại khu vực châu Á là Hàn Quốc. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc được nâng lên thị trường mới nổi vào năm 1992 và đến năm 2009 được nâng lên mức thị trường phát triển. Hiện nay Hàn Quốc đang thuộc top 5 thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực châu Á và top 15 lớn nhất trên thế giới, đóng vai trò quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển doanh nghiệp và kinh tế của Hàn Quốc.
Thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán
Ước tính nếu Việt Nam nâng hạng thành công theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE, thị trường chứng khoán nước ta sẽ đón nhận 25 tỷ USD dòng vốn đầu tư tính đến năm 2030. Vậy các giải pháp đang được triển khai để hiện thức hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 đang đạt tiến độ thế nào?
Ngày 20/3/2024, Bộ Tài chính đã đăng tải thông tin lấy ý kiến với Thông tư sửa đổi 4 thông tư để hiện thức hóa giải pháp để công ty chứng khoán hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt từ lâu khiến nhà đầu tư ngoại gặp khó trong khâu thanh toán khi mua chứng khoán.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng các giải pháp từ mặt chính sách và thực tiễn thị trường để hướng tới giúp cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện được việc chuyển tiền vào Việt Nam vào thời điểm thanh toán. Điều đó có nghĩa là hành lang pháp lý và thực tiễn thị trường và hệ thống của các công ty chứng khoán phải đảm bảo được và đánh giá được các rủi ro có liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài. Và phải hiểu được các nhà đầu tư nước ngoài và xác định nhà đầu tư nước ngoài có đủ độ tin cậy, độ đảm bảo, có lịch sử giao dịch".
Lo lắng của một số thành viên thị trường là việc để công ty chứng khoán đứng ra ký quỹ có tạo ra rủi ro trong trường hợp nhà đầu tư ngoại không trả tiền khi chứng khoán về tay. Tuy nhiên, đại diện SSI cho biết, 99% nhà đầu tư ngoại hiện nay luôn đảm bảo việc thanh toán, chỉ có 1% đôi khi xảy ra việc chậm hay chây ì thanh toán nhưng dự thảo cũng đã đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, CTCP Chứng khoán SSI nêu ý kiến: "Công ty chứng khoán có quyền công bố thông tin với các giao dịch mà nhà đầu tư nước ngoài không hợp tác để thực hiện thanh toán, mua lại phần tiền mà công ty chứng khoán đã hỗ trợ. Việc ấy giúp cho các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài phải rất thận trọng. Vì điều họ sợ nhất là công bố thông tin vì họ giao dịch số lượng rất lớn, chỉ cần một lần bị công bố thông tin, họ có thể không thực hiện được những giao dịch đằng sau. Tôi nghĩ đó là một điểm tốt trong dự thảo về sửa đổi các thông tư để tạo điều kiện cho giao dịch không cần ký quỹ ra đời".
Nâng hạng là điều thị trường chứng khoán nào cũng muốn nhưng cũng không ít thị trường chứng khoán từng được nâng hạng nhưng lại bị hạ hạng ngay sau đó khi "hàng hóa" không hấp dẫn "người mua" do chất lượng quản trị của khối doanh nghiệp niêm yết không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thiếu doanh nghiệp chất lượng được niêm yết.
Để gia nhập sân chơi nâng hạng, nỗ lực từ cơ quan quản lý là một phần, chính các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cũng cần tăng cường hoạt động công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, quan hệ cổ đông (IR) minh bạch công khai và thực hiện chuẩn mực kế toán IFRS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!