Theo báo cáo của SSI Research, khung pháp lý dần hoàn thiện đang tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ quốc tế. Chính phủ bắt đầu soạn thảo một số nghị định/thông tư hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán mới có những tiến triển tích cực không chỉ về giới hạn sở hữu nước ngoài mà còn về cấu trúc thị trường.
Sở hữu nước ngoài
Văn bản hướng dẫn mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) không cho phép các công ty niêm yết tự quyết định giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) trong điều lệ công ty. Ngoài ra, tất cả các rào cản pháp lý đối với Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được gỡ bỏ, sau khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp mới, trong đó định nghĩa rõ ràng về NVDR, cũng như cơ chế biểu quyết cho người nắm giữ NVDR.
Tuy nhiên, việc triển khai NVDR vẫn cần chờ thêm hướng dẫn. Ngoài ra, Luật Đầu tư cũng đưa ra một danh sách mới các ngành có điều kiện gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và UBCKNN sẽ kết hợp danh sách này với danh sách ngành có điều kiện hiện có để xây dựng danh sách ngành mới với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Cấu trúc thị trường
Những tiến triển mới bao gồm việc áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, cho phép bán khống và giao dịch trong ngày (T+0). Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào các vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và cải thiện tính thanh khoản của thị trường. Hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi, có thể giải quyết các vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch.
Cần lưu ý rằng MSCI đã đánh giá hoạt động thanh toán bù trừ của Việt Nam rằng "không có cơ chế thấu chi và phải có đủ tiền trước khi giao dịch" trong khi theo FTSE Russell "Việt Nam tiếp tục không đáp ứng tiêu chí nguyên tắc Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP)".
Nhìn chung, Việt Nam đã và đang áp dụng hệ thống CCP cho giao dịch chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai VN30) nên đã có một số kinh nghiệm trong việc triển khai. Chi tiết về cách thức hoạt động sẽ do Bộ Tài chính quy định (trong Thông tư hướng dẫn), nhưng về cơ bản nhà đầu tư không cần có đủ tiền trong tài khoản để đặt lệnh mua và có thể chỉ phải đặt cọc 10-20% giá trị giao dịch tính đến cuối phiên giao dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, tiền/chứng khoán ký quỹ đã được chia theo các chức năng khác nhau để lưu ký và thanh toán bù trừ. Vì vậy, ngân hàng giám sát cần phải xin cấp giấy phép thanh toán bù trừ.
Điều này có thể dễ dàng hơn đối với ngân hàng trong nước, nhưng khá phức tạp đối với ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống giao dịch/ thanh toán cũng cần nâng cấp toàn diện để đáp ứng với hệ thống CCP. Do vậy, trên thực tế, cơ chế CCP có thể sẽ chưa thực hiện được ngay từ ngày 1/1/2021. Cần lưu ý rằng luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp trước khi thiết lập hệ thống mới.
Dựa vào những điểm mới kể trên, SSI Research dự đoán Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng vào tháng 9/2021 (khi CCP đi vào hoạt động) và kết quả bất ngờ khó có thể xảy ra trong kỳ xem xét tới đây trong tháng 9/2020. Việt Nam có thể được MSCI thêm vào danh sách theo dõi vào năm 2021. Một kịch bản tích cực hơn có thể xảy ra nếu MSCI nhận thấy những tín hiệu tích cực trong việc triển khai thực tế, tương tự như trường hợp của Kuwait.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!